Gạch ngói tây sơn niềm hy vọng

Đăng bởi Admin vào lúc 02-05-2018

Tây Sơn có nghề gạch ngói thủ công nổi tiếng từ bao đời nay, tuy có lúc thăng trầm nhưng sản phẩm vẫn giữ vững, tạo thành thương hiệu có tiếng. Cả huyện hiện có trên 840 cơ sở sản xuất gạch ngói, hàng năm sản xuất khoảng vài trăm triệu viên gạch ngói. Như vậy tính ra vẫn tăng trưởng đều đều. Từ thực tế thị trường đòi hỏi người làm gạch, ngói luôn sáng tạo, đầu tư cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đã có máy ép mê ngói, máy ép ngói tự động, lò nung gạch kiểu đứng… sử dụng tại một số lò gạch ngói, thay dần thủ công. Từ đó chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh - đặc biệt là sản phẩm ngói.

Ứng dụng công nghệ mới
Ông Ngô Văn Diệu - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Sơn Vũ - chuyên sản xuất gạch ngói các loại, trong đó có thương hiệu ngói Sơn Vũ, cho rằng, lao động ngày càng khan hiếm, mà yêu cầu chất lượng sản phẩm mỗi ngày một cao hơn để cạnh tranh trên thị trường nên phải đầu tư công nghệ, chứ không thể làm thủ công như trước.

Do đó ông đầu tư máy dập ngói thủy lực tự động, thay cho máy dùng động cơ điện, máy dập thủ công. Máy tự động được lập trình hẳn hoi, chỉ cần một hoặc hai người vận hành. Đặt mê vào máy, máy tự dập, tự ra viên ngói thành phẩm đặt trên "ván" phơi. Nhìn viên ngói mới ép, mặt láng mịn, sắc nét, ta có phần tin tưởng về chất lượng của nó. Nếu tính ra độ nén gấp 2-3 lần thủ công. Cộng vào đó mê ngói được ép từ máy ép chân không, nên viên ngói có độ bền cao, hạn chế tối đa độ thấm nước. Máy có công suất từ 3 - 4 ngàn viên/ngày, gấp 2 - 3 lần ép thủ công.

Ông Diệu cũng cải tiến khuôn ngói. Thay vì làm bằng đồng, khi sử dụng chỉ 10 - 15 ngày là lu nét, nay ông thay bằng sắt. Chất liệu này vừa cứng, vừa dẻo, lại ít bào mòn, có độ chính xác cao. Tuy một bộ khuôn ngói 2 nắp (âm, dương) bằng sắt, có giá khá cao, tới 15 triệu đồng, đặt đúc từ Sài Gòn, nhưng độ bền cũng cao, chịu đựng đến 6 tháng. Tính ra sản phẩm đẹp lại tiết kiệm chi phí.

Làm sao để sản phẩm ngói Tây Sơn ngày càng cạnh tranh hơn, gần đây ông Diệu còn dùng phụ gia, phủ một lớp chống thấm trên viên ngói, được khách hàng chấp nhận. Tương lai không xa ông sẽ áp dụng công nghệ phun phụ gia rồi đưa vào nung, ở nhiệt độ cao, để tạo sự gắn kết bền vững giữa lớp phụ gia với bề mặt viên ngói, thì giá trị càng được nâng lên. Sơn Vũ còn làm được các loại ngói vảy, ngói hài trang trí, các loại gạch ốp tường, gạch trang trí…

Khi làng gạch ngói phát triển thì sinh ra chuyên môn hóa. Trước mắt là khâu ép mê ngói. Hiện nay cả huyện có khoảng 4 hệ thống máy ép mê ngói chân không. Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng công nghệ mới Tây Sơn, lập ra nhà máy sản xuất mê ngói bằng công nghệ ép chân không, đặt tại Cụm công nghiệp Phú An.

Mỗi ngày máy sản xuất từ 30- 50 ngàn mê ngói, tùy theo thời tiết mưa, hay nắng, để cấp cho khoảng 30 lò ngói trong vùng. Mỗi miếng mê bán ra khoảng 300 đồng.

Nguyên liệu đất sét có chất lượng, cách nung đúng mức, góp phần cơ bản để cho ra viên ngói có màu đỏ tươi truyền thống. Thường các nhà máy lấy đất sét ở trong huyện, tại các xã: Bình Nghi, Bình Thành, Tây Vinh… hay mua ngoài huyện tận An Thái (An Nhơn).

Trước đây mỗi cơ sở ngói đều cần có sân bãi chứa, nơi ủ đất sét… Cũng cần lao động có sức khỏe để xén, nhồi, đạp chân cho đất tơi nhuyễn, rồi ủ đất nhiều ngày, sau đó đem cho vào máy để ra mê ngói. Nhưng từ khi có máy ép mê ngói chân không, người ta giảm được những công đoạn ấy, cũng là giảm được giá thành sản phẩm. Nếu so ra, ngói làm bằng mê chân không đắt hơn ngói làm mê thủ công chỉ khoảng 200đ/viên. Nhưng bù lại ngói làm theo công nghệ mới bán “chạy” hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Phạm Tấn Phượng - Giám đốc Công ty TNHH vận tải, sản xuất, thương mại Phượng Lan - cũng là ông chủ của thương hiệu gạch ngói Phượng Lan (Tây Xuân, Tây Sơn) cho biết: "Tuy làm nhiều lĩnh vực nhưng nghề làm gạch ngói truyền thống của ông cha truyền lại ông vẫn giữ vững và phát triển". Lò gạch ngói của ông mỗi năm sản xuất gần 300.000 viên ngói, cũng là một trong số ít lò sớm sử dụng máy ép ngói thủy lực tự động. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thị trường chủ yếu ngoài tỉnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình…

Tự hào của người làm ngói
Tuy công nghệ sản xuất ra viên ngói có cải tiến theo hướng bền, chắc, chất lượng cao, nhưng các lò ngói Tây Sơn vẫn đốt lò theo phương pháp thủ công. Lò nung vẫn là lò truyền thống, chất đốt chủ yếu là mùn cưa. Sau khi viên ngói phơi trong trại được 3 - 5 ngày thì được xếp vào lò. Sau một đêm đốt lò đến khi hết khói màu trắng thì tốc độ cháy được cho tăng dần. Sau khoảng 3 - 5 ngày, tùy thời tiết mưa, nắng thì ngói chín. Ngói đẹp là có màu đỏ tươi, đều - rất đặc trưng, nếu màu bạc hơn thì già lửa, loại ngói này bền nhưng người tiêu dùng không chuộng. Nếu chín quá thì bị cong vênh, không thể sử dụng được. Anh Nguyễn Ngọc Thủy cổ đông của ngói Phượng Lan cho biết như vậy. Anh còn nói thêm người dày kinh nghiệm đốt lò thì ngói ra đến 99% là đạt yêu cầu, hiếm khi rủi ro.

Anh cùng vợ là Đỗ Thị Bích Thủy cùng trông coi lò ngói. Nay cả 2 đã ngoài 40 tuổi, coi như cả đời làm gạch ngói. Anh chị nhớ lại ngày xưa từ thời còn nhỏ lắm đã biết làm gạch ngói rồi. Đi làm thuê hết lò này đến lò khác. Cũng từ nghề gạch ngói mà 2 người bén duyên - "Song Thủy giao duyên", kết tóc xe tơ trăm năm chồng vợ. Đến nay đã 3 mặt con vẫn làm nghề gạch ngói. Từ làm thuê nay làm chủ, có cổ phần trong lò gạch ngói này. Cả đời làm gạch ngói nên ngóc ngách nào, vui buồn, thăng trầm của nghề anh chị đều nếm trải. Cứ lặng lẽ âm thầm làm ra viên ngói viên gạch để cho đời xây hạnh phúc.

Có lẽ ai là người Tây Sơn cũng rất tự hào về sản phẩm gạch ngói của quê hương mình. Có bề dày hàng chục năm, nay vẫn tồn tại phát triển. Tất nhiên làm nghề, duy trì nghề để làm kế sinh nhai, nhưng không tâm huyết với nghề, nghề sẽ dễ mai một. Tự hào với nhiều thiết bị làm ngói, tự dân mình cải tiến, sản xuất ra như máy đùn gạch 2 trục, máy ép ngói thủy lực tự động do ông Huỳnh Văn Lý – Cơ sở Hàn tiện Văn Lý (xã Tây Xuân) sáng tạo, đã chuyển giao rất nhiều cho trong và ngoài huyện, giúp cho sản phẩm được nâng cao chất lượng hơn.

Có người bức xúc, tại sao Tây Sơn có bề dày làm gạch ngói, nhưng cho đến nay chưa có ngói chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường. Ta có quyền hy vọng một ngày không xa, với đà phát triển như hiện nay Tây Sơn sẽ có thương hiệu ngói chất lượng cao như mong muốn.

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: