Khẩn cấp cứu hộ dân trên mái nhà, ngọn cây trong đêm lũ

Đăng bởi Admin vào lúc 02-05-2018

Lúc 20 giờ 15, tại Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp gọi điện về Quy Nhơn, yêu cầu "huy động phương án cao nhất" để giải thoát hàng trăm người dân bị nạn đang lay lắt, hoảng loạn trên mái nhà, trên những ngọn cây ngập nước ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh.

Vận chuyển áo phao cứu hộ cụm dân cư Phú Xuân

Bà Hà vừa vượt lũ trở về, cho biết: Bình Định đã đề nghị trung ương hỗ trợ phương tiện cứu hộ, thậm chí bằng cả máy bay trực thăng.

Suốt từ chiều đến khuya, chuông điện thoại dồn dập đổ về Văn phòng BCH PCLB-TKCN Tây Sơn. Cuộc gọi nào cũng gấp gáp, thảng thốt. Có quá ít phương tiện để chia cho những điểm lũ "dầu sôi lửa bỏng".

Cả huyện Tây Sơn chỉ có 4 chiếc ca nô, 3 chiếc khác được tỉnh tăng cường trong đêm nhưng không thể tiếp cận vùng lũ do đường vận chuyển trên quốc lộ 19 bị cắt đứt. Không khí hoảng loạn, bất an bao trùm từ người dân cho đến lực lượng cứu hộ.

Tại xã Tây Giang, 30 người dân từ buổi chiều bị nước dồn đuổi lên tận nóc nhà. Lúc 21 giờ, đây vẫn còn là điểm nóng bấn loạn với những tiếng kêu thét vẫy vùng tuyệt vọng.

Ở Bình Tường, cũng chừng đó người đỏ mắt chờ cứu hộ trong khi tin từ huyện đoàn Tây Sơn cho biết có 200 người dân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em đang cần được sơ tán sang nơi khác cao hơn.

Hàng trăm cuộc điện thoại gọi về UBND huyện Tây Sơn tối 15.11

Ở Bàu Sen (thị trấn Phú Phong), một chiếc xe tải hiệu Chiến Thắng bị nước cuốn; 2 người đàn ông may mắn thoát lên ca-pô nhưng không ai biết họ còn có thể cầm cự được bao lâu.

Ở khối Phú Xuân, hàng chục ngôi nhà gần như mất dạng trong nước lũ. Ông Dương Đông Phong, 40 tuổi, phải trổ ngói trèo lên nóc nhà mong tìm lối thoát sinh tử mong manh cho mình và đứa con còn nhỏ.

Những cuộc gọi dồn dập của ông Phong chìm trong tiếng mưa. Đáp lại, cha con ông được trấn an: Hãy cố gắng chờ, được phút nào hay phút ấy. Cả người gọi lần người trả lời đều khóc nấc trên đường dây nóng.

Phải đến 21 giờ 30, phương án cứu hộ cuối cùng mới có cơ hội thực hiện. Điểm đến đầu tiên là khối Phú Xuân với việc điều phương tiện mang áo phao ra thả xuống nước cho những người bị nạn.

Có mặt tại Tây Sơn, ông Trần Châu - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Định cho biết mưa quá lớn, nước lũ lên nhanh khiến việc ứng phó từ tỉnh đến huyện trở nên lúng túng.

Một trong những lý do gây bất ngờ, theo ông Châu là sự thiếu chính xác của cơ quan dự báo thời tiết. Trước đó, cảnh báo mưa lũ, áp thấp nhiệt đới gần như chủ yếu tập trung cho khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Nguồn: laodong.com.vn


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: