Tây sơn tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện (31/3/1975-31/3/2015)

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Ngày 30.3, tại Quảng trường trung tâm, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Tây Sơn (31.3.1975 - 31.3.2015) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng III của Chủ tịch nước tặng cho nhân dân và cán bộ huyện Tây Sơn vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc.

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Tây Sơn (31/3/1975-31/3/2015)

Dự Lễ kỷ niệm, đại biểu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Phó Tư lệnh Quân khu 5; đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Lãnh đạo huyện Tây Sơn có: đ/c Trương Thiên Thành - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện và các đ/c trong TT HĐND huyện, đ/c Mai Việt Trung-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và các đ/c trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đ/c Tạ Xuân Chánh - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo UBND huyện; các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Tây Sơn qua các thời kỳ; đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đại biểu các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và tỉnh Gia Lai cùng gần 2.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong huyện.

Tại Lễ kỷ niệm, đ/c Trương Thiên Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Tây Sơn, đặc biệt là sự kiện lịch sử ngày giải phóng quê hương vào mùa xuân 1975. Ngày 4.3.1975, các LLVT địa phương đã phối hợp với các đơn vị chủ lực đồng loạt tấn công tiêu diệt 14 chốt điểm của địch ở phía Tây huyện và dọc QL 19, kết hợp các xã trong huyện đồng loạt tấn công nổi dậy giành thắng lợi to lớn. Ngày 6.3, giải phóng hoàn toàn xã Bình Hòa và đại bộ phận xã Bình An, Bình Tân. Ngày 15.3, giải phóng hoàn toàn Bình Tân và một phần các xã Bình Tân, Bình Thuận. Ngày 17.3, giải phóng xã Bình Giang và các xã Đông Bắc huyện. Đến 10 giờ ngày 31.3, cờ giải phóng tung bay tại khu nhà hành chính ngụy quyền Quận Bình Khê.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong kháng chiến, huyện Tây Sơn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Các liệt sĩ Võ Lai, Nguyễn Thị Hồng Bông, Phạm Thị Đào…, được phong Anh hùng LLVTND; 209 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn huyện có 2.735 liệt sĩ, trên 1.200 thương, bệnh binh và hàng ngàn người có công cách mạng trong kháng chiến được Nhà nước khen thưởng.

Diễn văn kỷ niệm cũng đã nhấn mạnh, chiến thắng lịch sử ngày 31/3/1975 là thắng lợi to lớn, toàn diện và triệt để của Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn, đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Bên cạnh đường lối đúng đắn với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự hỗ trợ và hợp đồng chặt chẽ của các chiến trường, sự đóng góp máu xương của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao vàng và con em đồng bào trong huyện cũng như mọi miền đất nước, còn bắt nguồn từ những nhân tố nội tại hết sức quan trọng. Đó là sự kế thừa tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bách chiến bách thắng; thần tốc của Hoàng đế Quang Trung đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc; ý chí tự lực tự cường của Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn với quyết tâm "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó còn là truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ và nhân dân đã được vun đắp và phát huy mạnh mẽ trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đảng với dân một lòng, quân với dân một ý chí, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, thủy chung son sắt trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, cũng như lúc giành được thắng lợi.

Đ/c Trương Thiên Thành - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện đọc diễn văn kỷ niệm

Từ sau ngày giải phóng đến nay, phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, tình hình đất nước và huyện nhà còn nhiều khó khăn, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, các thế lực thù địch không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Song, Đảng bộ và nhân dân huyện Tây Sơn đã chung sức, chung lòng, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng và nội lực, thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước thu được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng và phát triển năm sau cao hơn năm trước. Xuất phát từ một huyện nghèo, sản xuất không đủ tiêu dùng, văn hóa xã hội kém phát triển, từ năm 1975 đến nay, giá trị các ngành sản xuất chính tăng dần qua các giai đoạn: 1976 - 1980 đạt 5,1%, giai đoạn 1991 - 2000 đạt 12%, giai đoạn 2001 - 2010 đạt 14% và từ năm 2011 đến nay đạt 14,6%/năm. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới đã thu được những thắng lợi quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường đầu tư. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ tích cực huy động tất cả các nguồn lực, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: bê tông giao thông nông thôn, bê tông nhựa 108km; cùng với tỉnh hoàn thành các tuyến đường Cầu Voi - Phú Lạc, đường Hòa Hiệp - Nam Giang, đường Tây Vinh - Cát Hiệp. Các công trình chống xói lở đê sông như Đê Tây Vinh, kè Nam Sông Kôn thị trấn Phú Phong, hệ thống kênh tưới Lộc Đỗng - Kiền Giang; kênh mương Đồng Đồn, hồ Thủy Dẻ, hồ Hóc Đèo. Hoàn thành công trình Khu dân cư - dịch vụ đê bao Sông Kôn, cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 khu dân cư - dịch vụ ngã 3 Quốc lộ 19 - Nguyễn Huệ; xây dựng mới đường Bảo tàng Quang Trung - Khu du lịch Hầm Hô; thôn 4 - Đồng Cẩm, đường 636 - Tây Bình… Phối hợp với tỉnh, Trung ương và các thành phần kinh tế khác triển khai xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm như: Đập dâng và hệ thống kênh tưới Văn Phong, thủy điện An Khê -Kanak, kênh mương Hồ Thuận Ninh giai đoạn 3, Công ty may Tây Sơn, Siêu thị Vinatex Tây Sơn, thủy điện Tiên Thuận, Văn Phong… với tổng vốn đầu tư trên hàng ngàn tỷ đồng. Các công trình lịch sử, văn hóa, du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp như: Bảo tàng Quang Trung, Tháp Dương Long, đền thờ Mai Xuân Thưởng, Đàn tế trời, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu danh thắng Hầm Hô... Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển khá đa dạng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế; tiềm năng du lịch được khai thác có hiệu quả. Tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ngày càng tăng.

Khu dân cư Ngã 3 - Quốc lộ 19 - đường Nguyễn Huệ

Sự nghiệp giáo dục của huyện được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Quy mô, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều tiến bộ; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và phát triển nguồn nhân lực. Trước giải phóng, mỗi xã chỉ có 1 điểm trường Tiểu học và 1 trường Trung học tại trung tâm huyện lỵ, hiện nay, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa. Huyện đã hoàn thành, giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế xã, thôn tiếp tục được củng cố, 14/15 xã, thị trấn có bác sĩ. Phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Công tác trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm đúng mức. Đến nay, toàn huyện đã có 17 di tích lịch sử, văn hóa được các cấp công nhận, trong đó, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền không ngừng chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với nước, trợ cấp xã hội, vận động xây dựng quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các chính sách xã hội khác đạt kết quả khá. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 7,6%; hộ khá, giàu tăng lên đáng kể; tỷ lệ dân cư sử dụng điện đạt gần 100%, sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%.  Vận động toàn dân tham gia giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, khó khăn; hỗ trợ xây dựng trên 1.500 ngôi nhà cho hộ chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc... Các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục được áp dụng trong chuyển đổi mùa vụ, thâm canh cây trồng, vật nuôi; năng suất, sản lượng lúa tăng hơn 3 lần so với năm 1975. Thu nhập bình quân đầu người 27,5 triệu đồng, tăng gấp 5,5 lần so năm 2005. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được ổn định và cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Một góc TT Phú Phong

Nét nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện trong những năm gần đây là tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, đạt 39%; không gian đô thị từng bước được mở rộng. Trung tâm thị trấn Phú Phong, các thị tứ ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; đã hoàn thành quy hoạch thị trấn Phú Phong theo hướng đạt đô thị loại IV, quy hoạch thị tứ Đồng Phó theo hướng đi lên đô thị loại V, phù hợp với phương hướng phát triển tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVII đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Tây Sơn

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn đạt được trong 40 năm qua là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc, sự kế thừa và phát huy cao độ truyền thống anh hùng, bất khuất của mảnh đất Tây Sơn anh dũng kiên cường. Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, huyện Tây Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng III về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới. Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cán bộ, nhân dân Tây Sơn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng cũng nhau vượt qua khó khăn thử thách, bằng những hành động thiết thực góp phần xây dựng quê hương Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung ngày càng giàu đẹp. Trước mắt, tập trung nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch KT-XH 5 năm (2011-2015), tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trao Huân chương Độc lập hạng III cho nhân dân và cán bộ huyện Tây Sơn.

Thanh Sơn - Quang Dương
Nguồn: http://tayson.binhdinh.gov.vn


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: