Gò đá đen, bến trường trầu

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Trở về mảnh đất phát tích của phong trào Tây Sơn, một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử nước ta, đến thăm nhà Bảo tàng Quang Trung, được nhìn những hiện vật quý giá, được nghe những lời thuyết minh truyền cảm, nhưng sẽ còn thấm thía hơn, hấp dẫn hơn, sinh động hơn nếu được tận mắt đến thăm những di tích ngoài thực địa và nghe các cụ già kể về sự tích bến Trường Trầu, về Vườn Dinh, Vi Tập Binh, Vi Cấm Cố, gò Đá Đen.

Gò Đá Đen:
Gò Đá Đen là một địa điểm luyện tập và xuất binh của nghĩa quân Tây Sơn, trước kia thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ ấp Kiên Thành phủ Quy Nhơn, nay thuộc địa phận khối I thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Di tích hiện nay nằm cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 500m về phía Bắc.

Kiên Mỹ không chỉ là nơi gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành mà còn là một trong những căn cứ buổi đầu của phong trào Tây Sơn. Năm 1771 sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn Thượng đạo. Năm 1773, từ Thượng đạo nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng Tây Sơn hạ đạo và đóng chỉ huy sở ở ấp Kiên Thành mà trung tâm là thôn Kiên Mỹ. Đây là một quyết định sáng suốt, nhất là trong những ngày đầu khi cuộc khởi nghĩa mới được phát động, lực lượng còn chưa mạnh. Một mặt vì đây là mảnh đất quê hương của các lãnh tụ nghĩa quân, nhưng mặt khác, cũng rất quan trọng, là vị trí thuận lợi của Kiên Mỹ. Nằm dưới chân đèo An Khê bên tả ngạn sông Kôn, Kiên Mỹ là một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện. Từ Kiên Mỹ có thể theo đường bộ qua An Khê, theo đường thủy ngược sông lên vùng đồng bào Thượng, hoặc xuôi xuống vùng đồng bằng, ra đến ven biển. Sau một thời gian ngắn củng cố thêm lực lượng, từ ấp Kiên Thành nghĩa quân tiến xuống đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, tạo nên một bước ngoặt trong toàn bộ tiến trình phát triển của cuộc khởi nghĩa. Thôn Kiên Mỹ - ấp Kiên Thành, với tư cách là đại bản doanh, điểm xuất phát của nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng đồng bằng, có một vị trí hết sức quan trọng.

Trên đất Kiên Mỹ nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn cũng như đối với cả phong trào Tây Sơn. Ngoài cây me cổ thụ, giếng nước xưa, Bến Trường Trầu còn có Vườn Dinh, vi Tập Binh, vi Cấm Cố, gò Đá Đen, gò Cứt Cu là những địa danh phản ánh sở chỉ huy và doanh trại của nghĩa quân.

Gò Đá Đen là một bãi đất cao và rộng. Đây vốn là một khu rừng hoang có diện tích ước khoảng 5 ha chạy dài từ Phú Lạc đến giáp Bầu Đáo. Giữa gò nổi lên một tảng đá rất lớn có màu đen nhánh, vì thế mà nhân dân gọi gò này là gò Đá Đen.
Thời gian, chiến tranh, sự trả thù của nhà Nguyễn, cũng một phần vì nghĩa quân dừng lại ở đây không lâu, nên nay những dấu tích gắn với hoạt động của nghĩa quân trên, ngoài những địa danh được ký ức dân gian lưu giữ, hầu như không còn gì. Khu vực bãi đất gò Đá Đen bị thu hẹp chỉ còn 2 ha, do nhân dân đào đất đóng gạch, lấy đá xây nhà. Tảng đá đen lớn cũng đã bị ghè dẽo nham nhở.

Trở về mảnh đất phát tích của phong trào Tây Sơn, một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử nước ta, đến thăm nhà Bảo tàng Quang Trung, được nhìn những hiện vật quý giá, được nghe những lời thuyết minh truyền cảm, nhưng sẽ còn thấm thía hơn, hấp dẫn hơn, sinh động hơn nếu được tận mắt đến thăm những di tích ngoài thực địa và nghe các cụ già kể về sự tích bến Trường Trầu, về Vườn Dinh, Vi Tập Binh, Vi Cấm Cố, gò Đá Đen.

Bến Trường Trầu:

Cây Me cũ, bến Trầu xưa
Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm…

Câu ca rất đỗi quen thuộc với người Bình Định, và nay cũng đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước, đã thành lời của một bài hát về quê hương Tây Sơn…

Trở về Kiên Mỹ, quê hương thứ ba của dòng họ Tây Sơn, nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đến thăm điện Tây Sơn, thăm cây me cũ, thăm giếng nước xưa và cùng đến thăm bến Trường Trầu… Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Kôn, xưa thuộc xóm Trầu thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là xóm Hưng Hòa (đội 7) khối I thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định… Từ thị trấn Phú Phong, qua cầu Kiên Mỹ theo tả ngạn sông Kôn về phía đông khoảng 300m là tới bến Trường Trầu.

Trầu và cau là những sản phẩm nổi tiếng của hai vùng Tây Sơn Thượng và Hạ đạo. Trầu có hai loại: trầu nguồn do đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên là loại trầu ngon nhất, trầu hương trồng ở miền xuôi kém ngon hơn. Cau cũng có hai loại: cau chuột trồng ở Tây Nguyên quả nhỏ nhưng ngon, cau nước trồng trong vườn miền xuôi, quả to nhưng vị không ngon bằng. Trầu và cau từ Tây Sơn Thượng đạo được hàng đoàn người Thượng gùi sau lưng theo đường bộ hoặc chở bằng một loại thuyền nan nhỏ gọi là sõng đem xuống bến Trường trầu bán rồi đổi lấy muối, đồ sắt và các sản phẩm khác. Người ta tính trầu theo cách cứ 10 lá là một xếp, 10 xếp là một trăm, 10 trăm là một thiên, 10 thiên là một giàng.

Trầu cau được tập kết tại Kiên Mỹ, tại bến Trường Trầu rồi từ đây theo các đường thủy bộ chuyển đi khắp mọi nơi. Kiên Mỹ, bến Trường Trầu trở thành điểm trung chuyển trong quan hệ trao đổi buôn bán giữa miền núi rừng cao nguyên và miền đồng bằng, ngoài sản phẩm quan trọng nhất là trầu cau, còn có rất nhiều mặt hàng khác.

Bến Trường Trầu, nghề buôn bán trầu đã có ảnh hưởng to lớn đến Nguyễn Nhạc cũng như các anh em Tây Sơn. Do những hoạt động buôn bán này mà anh em Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc có quan hệ giao tiếp với nhiều vùng và nhiều tầng lớp xã hội. Nguyễn Nhạc thường qua lại vùng Thượng đạo, có quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người Tây Nguyên và giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Điều này giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, lối nghĩ, thấu hiểu nổi bất bình thống khổ của các tầng lớp nhân dân và dễ dàng vận động liên kết các lực lượng khởi nghĩa. Đến nay nhân dân vùng Đập Đá huyện An Nhơn vẫn còn lưu truyền câu chuyện về ông Đinh Chảng, thầy dạy võ của anh em Tây Sơn.

Ông Đinh Chảng, tên thật là Đinh Văn Nhưng, cha là Đinh Văn Hòe, quê gốc Ninh Bình. Ông Đinh Văn Hòe đã có vợ con ở Bắc, rồi phiêu bạt vào Đàng Trong, đi lính cho nhà Nguyễn, lấy vợ ở đây, sinh được ba người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm. Sau một thời gian ông Hòe bỏ về Bắc, để lại nơi đây vợ và ba con nhỏ. Lớn lên Đinh Văn Nhưng nổi tiếng giỏi võ nghệ. Khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đi bán trầu qua đây nghe danh tiếng ông đã tìm đến xin học. Ông Nhưng nhận Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ làm con nuôi, dạy bảo rất chu đáo. Khi Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ông đã cùng anh là Đinh Văn Diệm đã dùng ngựa chở lên vùng Tây Sơn rất nhiều lương thực ủng hộ nghĩa quân. Để đền ơn ông Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi Hoàng đế đã phong cho ông tước Sanh Sơn bá.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, sông Kôn đã bao lần đổi dòng. Ở nơi ngày xưa là bến Trường Trầu mực nước sâu thăm thẳm khiến thuyền ghe chở hàng hóa có thể ghé sát bờ một cách dễ dàng, thì nay đã bị bồi lấp, vào mùa khô nhìn xuống chỉ là một bài cát trắng ven sông … Bến không còn nhưng cái tên Bến Trường Trầu thì đã đi vào lịch sử, đã được khắc sâu trong ký ức dân gian và sẽ sống mãi với thời gian như chính sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng cờ đào áo vải Tây Sơn. Đến Kiên Mỹ nay, trước bến Trầu xưa, nhìn về xa xăm nơi hai đầu sông Kôn mà lòng thấy bồi hồi xao xuyến. Ký ức như được đánh thức để trở về với hơn hai trăm năm trước cùng chứng kiến cảnh nơi đây tấp nập trên bến dưới thuyền, những xấp trầu xanh biếc, những buồng cau nở nang, và cả cái không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn, từ bến Trường Trầu.  

Nguồn: Website ditichlichsuvanhoa.com


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: