Những định hướng phát triển trong năm mới

Đăng bởi Admin vào lúc 02-05-2018

Tây Sơn là một huyện trung du, với diện tích tự nhiên khoảng 692 km2, nằm về phía Tây Nam tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 42 km, có Quốc lộ 19 chạy qua nối liền vùng cao nguyên giàu tiềm năng và nằm trên trục hành lang Đông Tây; là quê hương của anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Nông dân Tây Sơn, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo thế cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị của các ngành kinh tế tăng bình quân hàng năm 14,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm.

HÌNH ẢNH MINH HỌA - NÚI ẤN TÂY SƠN 

Chờ chú trọng thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tăng đáng kể. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm làm ra ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, góp phần giải quyết lực lượng lao động địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân, làm thay đổi bộ mặt ở địa bàn nông thôn.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 05 cụm công nghiệp, 07 điểm công nghiệp, với tổng diện tích được quy hoạch là 153 ha, tổng vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất trên 171 tỷ đồng. Đồng thời với CN - TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch (TM-DV-DL) của huyện thời gian qua phát triển khá và đa dạng, với nhiều loại hình hoạt động, nhiều thành phần kinh tế tham gia, tốc độ gia tăng bình quân hàng năm 21,34%. Số cơ sở và lao động hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng nhanh, đến nay có hơn 4.000 cơ sở với hơn 5.000 lao động. Trong đó hệ thống chợ đã được đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mua bán trong nhân dân; các dịch vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách; bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh và chất lượng ngày càng tốt hơn. Dịch vụ tín dụng, ngân hàng hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh của nhân dân. Các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch ngày càng nhiều.

Với những kết quả đạt được nêu trên, nhìn chung chưa xứng với tiềm năng khá lớn, phong phú và đa dạng của huyện. Các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện phần lớn có quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng, sức cạnh tranh thấp; việc xây dựng và khai thác các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn chưa được đẩy mạnh. Tiềm năng, thế mạnh về TMDV-DL của địa phương chưa được phát huy mạnh mẽ; công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là khai thác tiềm năng du lịch còn hạn chế.

Phát huy những kết quả đạt được, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đẩy mạnh tốc độ tăng trường nền kinh tế, trong những năm tới việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cần tập trung các ngành: mía đường, chế biến nông lâm sản, dệt may, cung cấp các vật tư, trang thiết bị phục vụ CN-TTCN, sản xuất gạch ngói có công nghệ tiên tiến, gốm mỹ nghệ xuất khẩu, khai thác đá, chế biến đá Granit, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, gia công cơ khí, sản xuất đồ gỗ gia dụng và mỹ nghệ, chế biến lương thực - thực phẩm, nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm. . . Trên cơ sở đó, hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp Cầu 16, Phú An, Tây Xuân, Cầu Nước xanh, Hóc Bợm và Trường Định. Điều chỉnh và mở rộng quy hoạch, tiến hành đề nghị nâng cấp các điểm công nghiệp: Gò Giữa, Gò Đá, Tây Xuân, Bình Nghi, Gò Cầy, Bình Tân, Rẫy Ông Thơ thành cụm công nghiệp. Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía, mì và cây lâm nghiệp. Tiến hành điều tra, khảo sát quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, cát, đất, đá, . . .

Đồng thời với công tác quy hoạch, chú trọng vận dụng cơ chế, các chính sách hiện có, điều chỉnh bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc quyền hạn của địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển của huyện. Tiếp tục triển khai các chính sách khuyến công và một số chính sách khuyến khích phát triển trên lĩnh vực công thương mà Nhà nước đã đề ra. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chủ động tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, về đền bù, giải phóng mặt bằng, về vốn, lao động, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ . . . Tổ chức đào tạo, truyền dạy nghề, tiến hành xây dựng làng nghề, hướng dẫn thành lập bộ máy quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề. . . nhằm tạo ra các sản phẩm mang nét đặc trưng và truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hạn chế phát triển sản xuất thủ công, hướng đến năm 2015 không phát triển các loại hình sản xuất gạch ngói bằng lò nung thủ công. Xây dựng các chiến lược về sản phẩm, khách hàng, thị trường, . . . ; xây dựng thương hiệu riêng, làm cơ sở cho định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài, củng cố và khai thác tốt các thương hiệu gạch ngói Phú Phong, rượu Phú Thọ, nón lá Thuận Hạnh . . .

Để đảm bảo điều kiện về vốn, phục vụ cho phát triển CN - TTCN theo yêu cầu, huyện xác định: tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; nguồn vốn từ Chương trình khuyến công của Quốc gia, của tỉnh; đồng thời cân đối, phân bổ vốn từ ngân sách huyện cho phù hợp. Điều quan trọng là đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác phát triển CN-TTCN, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương đầu tư vốn xây dựng và kinh doanh, tăng cường công tác huy động các nguồn thu từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, mở rộng các dịch vụ phục vụ trong cụm công nghiệp. . .

Bên cạnh các ngành CN-TTCN, hoạt động TM-DV-DL, cũng là những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo, huyện xác định thị trấn Phú Phong vẫn là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện; là đầu mối kết nối với các vệ tinh như Đồng Phó, Trường Định, Mỹ Yên, Cây Xoài 1, tạo thành một mạng lưới TM-DV-DL thông suốt từ huyện đến cơ sở và ngược lại. Vì vậy cần tiến hành điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn huyện, đến năm 2015 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện có 17 chợ, 02 siêu thị và 01 trung tâm thương mại.

Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng - kinh doanh chợ, từng bước thực hiện việc chuyển giao chợ cấp xã cho các tổ chức, cá nhân quản lý và kinh doanh. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng các lô đất dịch vụ nằm trong dự án Khu đê bao sông Kôn và Khu dân cư ngã 3 Quốc lộ 19 - đường Nguyễn Huệ; khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, mở rộng các ngành kinh doanh dịch vụ. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hàng hoá và hành khách, mở rộng thêm các tuyến vận tải đường dài, tiếp tục đầu tư và phát huy tối đa hiệu quả của bến xe khách liên tỉnh hiện có. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, Internet, tư vấn pháp luật, đầu tư phát triển, khoa học - công nghệ, xây dựng, sửa chữa máy công nghiệp, cơ khí, cung cấp điện, nước, xử lý môi trường, bảo vệ, công nghệ thông tin, cung ứng và bảo trì, sửa chữa vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, đời sống. Kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các hệ thống nhà hàng, khách sạn; mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Đáng chú ý là tăng cường đầu tư xây dựng Khu du lịch Hầm Hô trở thành nơi nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp, trọng điểm của huyện, tỉnh. Thông qua các hình thức kêu gọi, xây dựng mới Đền thờ Võ Văn Dõng, Huyện đường Bình Khê; khai thác hồ Thuận Ninh, Đập Văn Phong gắn với Lăng Mai Xuân Thưởng trở thành khu du lịch sinh thái với các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng. Củng cố và phát triển các làng võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định, trong đó chú ý các võ đường: Hồ Sừng (xã Bình Thuận), Phan Thọ (xã Bình Nghi), Trần Dần (xã Tây Vinh), gắn việc bảo tồn và phát huy nền võ học với phục vụ khách tham quan du lịch, giữ gìn truyền thống. Thực hiện chương trình hành động của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, đặc biệt thực hiện chủ trương mở rộng Bảo tàng Quang Trung, xây dựng khu di tích Đàn tế trời đất tại núi Ấn (xã Bình Tường). . . hình thành một số tour du lịch như: Bảo tàng Quang Trung - Tháp Dương Long - Đền thờ Bùi Thị Xuân - Lăng Mai Xuân Thưởng. . . nhằm thu hút khách tham quan, phấn đấu tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ, du lịch của huyện.

Trong những năm tới mặc dù tình hình có thể còn nhiều khó khăn, song với tinh thần nỗ lực vượt qua thách thức, trở ngại, phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, quán triệt vận dụng tốt mọi chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Tây Sơn tin tưởng rằng nền kinh tế của huyện, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: