Dũng khí bùi thị xuân, mãi mãi trường tồn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Giữa thế kỷ XVIII, đất Tây Sơn hùng vĩ núi rừng trùng điệp đã sinh ra người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung. Và chính người anh hùng ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa hào khí Tây Sơn sáng ngời trong lịch sử dân tộc.

Bùi Thị Xuân người làng Xuân Huề, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, nơi có những cánh đồng lúa xanh mướt, những bãi ngô chắc hột nằm bên dòng sông Côn thơ mộng, nơi có những lò võ Tây Sơn nổi tiếng quanh năm luyện tập rèn người dũng khí. Thuở nhỏ, cô gái Bùi Thị Xuân luyện võ ở lò võ Ngô Mạnh rồi cùng chồng là Trần Quang Diệu tham gia nghĩa quân Tây Sơn.

Bà có tài thao lược trận mạc nổi tiếng, càng nổi tiếng hơn là nghề dạy voi và chỉ huy đội tượng quân lâm trận đánh kẻ thù lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ngày nay, ở làng quê Xuân Huề - nơi có từ đường họ Bùi - còn có nhiều di vật về bà và di tích quân trường luyện voi của bà.

Tượng thờ Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu

Năm 1801, khi thành Phú Xuân bị quân Nguyễn Ánh đánh chiếm, Bùi Thị Xuân chỉ huy 5.000 quân cùng đội quân voi đặc chủng tấn công quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh. Năm 1802, bà bị giặc bắt ở Thanh Chương (Nghệ An). Quân Nguyễn Ánh đem bà và con gái là Trần Thị Bích Trân ra hành hình bằng cách cho voi xé xác rồi đốt xác quyết không cho ai mang được xương cốt an táng thờ phượng, xóa bỏ gương dũng khí của một nữ hào kiệt tài danh. Lúc bị hành hình ở Phú Xuân, Bùi thị Xuân không chịu đầu hàng, cùng con gái từng bước ung dung đi thẳng tới đàn voi dữ. Đàn voi dữ sợ hãi lùi bước, bọn đồ tể giết người phải dùng gươm giáo đâm vào bụng đàn voi thúc voi tiến lên tung vòi cuốn lấy mẹ con bà tung lên cao rồi dùng chân dẫm nát thân thể bà và con gái.

.... Anh hùng bất khuất tâm soi tỏ
Liệt sĩ hiên ngang dạ sáng ngời
Người trút linh hồn gan ruột đổ
Voi dày thân xác máu xương rơi
Tây Sơn hùng khí sinh nhân kiệt
Tiết nghĩa lừng danh khắp mọi nơi

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến người nữ liệt sĩ Jeanne d.Arc (1412-1431) của nước Pháp hồi thế kỷ XV trong cuộc chiến tranh Anh - Pháp dài ngày. Quân xâm lược Anh tràn vào nước Pháp, liên tiếp hạ gục quân đội chính quy của triều đình. Nhờ có một cô gái nông dân nghèo ở một làng quê hẻo lánh của nước Pháp tên là Jeanne d'Arc đã tụ hội nghĩa binh và cầm quân đánh bại quân Anh cứu nguy cho nước Pháp. Trong một trận phục kích của quân Anh, Jeanne d'Arc bị giặc bắt tra tấn dã man, nhưng không buộc được người con gái ấy đầu hàng. Cuối cùng, năm 1431, quân Anh phải lập giàn hỏa thiêu sống, xương cốt người con gái 19 tuổi ấy lại bị đốt cháy thành tro rồi quăng xuống sông Seine để hòng thủ tiêu một gương dũng khí của nước Pháp. Mãi đến hơn 500 năm sau, vào năm 1920, giáo hoàng La Mã mới phong thánh cho Jeanne d'Arc. Từ đó cô gái nghèo của thế kỷ XV mới trở thành một vị thần tối cao của nước Pháp và được toàn châu Âu chiêm ngưỡng.

Bùi Thị Xuân của hào khí Tây Sơn đâu có kém gì thánh Jeanne d'Arc của nước Pháp ?! Dũng khí và tài hoa quân sự của Bùi Thị Xuân đã chinh phục và giáo hóa voi dữ thành một đội quân đặc chủng có một không hai của thời đại ấy. Bùi Thị Xuân còn là một danh tướng trong trận mạc.

Dũng khí Bùi Thị Xuân cần phải được giới sử học vinh danh hơn nữa. Người hậu thế cần phải chiêm ngưỡng một bậc nữ anh tài đặc biệt của đất Tây Sơn thượng võ. Các nhà nghiên cứu nữ quyền (feminism) hãy xem danh tướng Bùi Thị Xuân như là một giá trị xã hội (social value) có một không hai của thời trung đại trong chuỗi giá trị (value chaine) nữ quyền Việt Nam nói chung.

Dũng khí và tài năng là hai tố chất cần thiết cho con người Việt Nam thời hiện đại –con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Gương dũng khí của Bùi Thị Xuân sẽ mãi mãi trường tồn.

Thời đại Tây Sơn đã hun đúc và tạo nên những cải cách văn hóa - xã hội đi trước thời đại đương thời, đã để lại cho Việt Nam những nhân tài, kiệt tướng. Bùi Thị Xuân là một nữ kiệt duy nhất - ngôi sao khuê tỏa sáng dưới bầu trời hào khí Tây Sơn vang dội.

 Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: