Thầy Trương Văn Hiến quả là người thầy, một bậc trung quân ái quốc. Mặc dù ông là người ở Hoan Châu nhưng cuộc đời ông lại gắn với Tây Sơn. Có thể nói Tây Sơn chính là quê hương thứ hai của ông.
Nói đến phong trào Tây Sơn, với chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung, người ta không thể quên nhắc đến ông Trương Văn Hiến- người thầy của ba anh em Tây Sơn.
Trương Văn Hiến người Nghệ An- ngày xưa là đất Hoan Châu, đã di cư vào Nam vì ông có liên quan đến vụ Trương Văn Hạnh phản đối triều đình việc Trương Phúc Loan làm di chúc giả: lập Nguyễn Phúc Thuần- tức Võ Vương lên ngôi lúc mới 12 tuổi. Trương Văn Hạnh bị Trương Phúc Loan kết tội tử hình, giết cả nhà. Trương Văn Hiến sợ vạ lây nên lánh nạn ở đất phương Nam. Trên đường đi, ông vào một ngôi chùa nhỏ dưới chân đèo Hải Vân tạm trú, thì được vị thiền sư là Trí Viễn- người am thông về thời sự và dịch học khuyên ông nên vào Quy Nhơn Bình Định lập nghiệp. Đến Bình Định, ông tìm người kết thân. Ông gặp Phan Nghĩa- một phú gia- tính tình rộng rãi, phóng khoáng. Qua vài lần gặp gỡ, Phan Nghĩa được biết Trương Văn Hiến là người học rộng, kiến thức uyên bác, tài cao, nói năng lưu loát. Phan coi Trương Văn Hiến như khách quý.
Tượng Tây Sơn tam kiệt trong Bảo tàng Quang Trung |
Phan Nghĩa chuyên buôn bán các mặt hàng tơ lụa, trầm hương, gốm sứ, gỗ quý. Lúc bấy giờ, loại hàng này ở An Thái phần lớn do Hoa kiều nắm cả, hơn nữa những mặt hàng này lại được ghi bằng chữ Hán. Để thẩm định giá trị hàng hoá, Phan Nghĩa nhớ đến Trương Văn Hiến và nhờ giúp. Dưới tay Phan Nghĩa còn có Đặng Quang - một võ sư và đàn em khá đông, nhờ thế mà những chuyến hàng được bảo vệ chu đáo chót lọt.
Đặng Quang thấy Trương được Phan trọng đãi, lại thấy tài ứng biến đối đáp của Trương Văn Hiến nên rất cảm phục. Trong một chuyến ăn hàng ở An Thái, trên đường về thuyền bị hỏng nên phải dừng lại sửa chữa. Nhiều người lên bờ mua sắm. Thuyền sửa chữa gần xong thì bọn cướp xuất hiện, chúng chia làm hai cánh tiến đến cướp thuyền. Đặng Quang vội gọi bạn bè và thủ hạ xuống thuyền, còn mình xông lên bờ cản bọn cướp.
Sức lực và võ nghệ của Quang không đủ ngăn chặn mà còn bị thương. Trong tình thế không thể làm ngơ, Trương Văn Hiến, chỉ với cây sào chống thuyền gạt phăng bọn lâu la xuống sông. Tên đầu đảng cướp nổi giận, lao lên thuyền. Sau vài đường roi, tên cướp biết rằng kẻ đang đấu với mình quả là lợi hại, liền giở thế võ hiểm để kết thúc, hi vọng giết được Trương Văn Hiến. Không ngờ "thế lại trùng thế", tên cướp phải ngã xuống sông. Bọn lâu la thấy chủ đã bị thương nên bảo nhau cứu và chạy thoát. Tên tuổi Trương Văn Hiến "nổi như cồn" được giới võ lâm biết đến và khâm phục.
Nhiều người đã đến xin thọ giáo, thầy giáo Hiến chỉ thu nhận số ít. Trước khi thu nhận thầy luôn đặt ra nhiều câu hỏi để kiểm tra kiến thức và nhất là quan niệm về nhân sinh. Thầy có biệt tài xem tướng người, nhận biết được một phần về tương lai của học trò. Những người không đủ tiêu chuẩn thầy đều từ chối với nhiều lý do khéo léo.
Đến học với ông, học trò đều được dạy dỗ đầy đủ cả văn lẫn võ. Ông cho rằng giữa thời buổi nhiễu nhương này, sức mạnh và trí tuệ phải song song, toàn vẹn.
Ba anh em Tây Sơn lần lượt đến thọ giáo. Nguyễn Huệ là người được thầy chú ý nhất vì tướng mạo đặc biệt, tiếng nói vang to như chuông, mắt sáng đầy uy lực khiến đối phương khiếp đảm.
Khi Nguyễn Nhạc bắt đầu tụ nghĩa, thầy giáo Hiến được coi như quân sư. Ông cố vấn cho Tây Sơn trong việc gây thanh thế và uy tín, như chém rắn ở gò Cây Ké, chuyện ấn kiếm trời ban, chuyện ngựa thần, cả những chuyện mang tính tâm lý như gánh nước bằng bội (giỏ tre):
Tiếng đồn sứ giả của trời
Gánh nước bằng bội chẳng rơi giọt nào
(Ca dao)
Tất cả những chuyện trên đều do thầy giáo Hiến bày ra nhằm thu phục nhân tâm.
Tranh tường Lịch sử trong Bảo tàng Quang Trung |
Khi thụ giáo xong, thầy Hiến còn dặn anh em Tây Sơn: "Tây tụ nghĩa, bắc lập công". Bắt đầu cuộc khởi nghĩa là khổ nhục kế - Nguyễn Nhạc đã "tự giam mình trong cũi" tự làm tù binh để cướp thành Quy Nhơn. Ông còn đưa con trai là Trương Văn Đa vào phục vụ quân đội của Tây Sơn để bày tỏ lòng trung thành. Ngoài ba anh em Tây Sơn, thầy giáo Hiến còn đào tạo được nhiều tướng lĩnh nổi tiếng như:
Võ Văn Dũng- Đại Đô đốc- một chức quan trong "tứ trụ" của triều Cảnh Thịnh; Đặng Văn Dũng - Đại Đô đốc- đã góp phần không nhỏ trong chiến trận Đống Đa - Ngọc Hồi lừng lẫy; Phan Văn Lân - Đô đốc văn võ song toàn– đã góp công trong chiến thắng quân Thanh ở Đống Đa- Ngọc Hồi. Ba tướng: Dũng, Long, Lân đều là người Bình Định. Ngoài ra còn có: Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Thuấn- là những vị tướng ở Quảng Ngãi được ghi tên trong "Tây Sơn tướng lĩnh", Huỳnh Văn Thuận không chỉ là tướng mà còn là nhà binh pháp, đã để lại tác phẩm "Binh pháp Tây Sơn". Riêng Trương Văn Đa- là con thầy giáo Hiến, đã cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lập chiến công Rạch Gầm, Xoài Mút, đánh đuổi quân Xiêm ở phương Nam. Ông Đa sau này là thầy giáo của Thái tử Bảo.
Thầy giáo Trương Văn Hiến đã tận tình giúp đỡ Tây Sơn xây dựng nghiệp Đế. Ngoài nghĩa quân thần, và sui gia, còn có mối thâm tình thầy trò. Sau này, Nguyễn Nhạc là anh cả, là Hoàng đế, luôn mang trong mình tính gia trưởng nên thầy Hiến xin Nguyễn Nhạc về an nghỉ tuổi già. Mấy năm sau mới được chấp thuận, ông về An Thái được ít lâu thì mất.
Trương Văn Hiến quả là người thầy, một bậc trung quân ái quốc, mặc dù ông là người ở Hoan Châu nhưng phần đời nhiều lo toan cho đất nước lại gắn với Tây Sơn. Có thể nói Tây Sơn chính là quê hương thứ hai của ông.
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: