Hào khí tây sơn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Hào khí Tây Sơn đã tạo nên những con người trung thành với lý tưởng yêu nước, vì độc lập và tự do cho đất nước.

Cách  đây  hơn  300  năm,  có  một  thời hào khí Tây Sơn đã làm vang dội lịch sử  dân  tộc  ta,  uy   thế  của  nước  ta lừng  danh  Châu  Á. Ngày  ấy,  từ  ấp Tây Sơn trong một vùng đồi núi hùng vĩ có dòng suối  bạc  Hầm  Hô  sóng  nước  tuôn  trào  dưới  bầu trời trong xanh bên dòng sông Côn hiền hòa êm chảy đã có ngọn cờ đào yêu nước của 3 chàng trai đất võ Tây Sơn.

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, nhân dân Bình Định và miền Nam sống trong cảnh lo âu, khổ cực, tính mạng luôn bị uy hiếp vì loạn thần nhà Nguyễn là Trương Phúc Loan tác quái. Ở miền Bắc, từ Thừa Thiên  trở  ra  cho  đến  kinh  thành  Thăng  Long,  bộ máy  lộng  quyền  của  chúa  Trịnh  đã  gây  nên  đau thương và đói nghèo cùng cực cho dân lành. Trong lúc  đó,  giặc nhà  Thanh  ở  phương  Bắc,  giặc  Xiêm La  ở  phía  Tây  Nam  đang  lăm  le  chực  nuốt  sống Việt Nam. Từ ấp Tây Sơn hùng vĩ đã phất lên ngọn cờ khởi nghĩa và hào khí Tây sơn đã lan tỏa thành một  sức  mạnh  kỳ  diệu  giải  phóng  được  ách  tàn bạo của chế độ nhà Nguyễn ở miền Nam, đập tan “phủ chúa Trịnh” và tiêu diệt sự đàn áp của chính quyền áp bức họ Trịnh trên đất Bắc. Thấy đất nước Việt Nam ta dường như bất ổn, kẻ thù bên ngoài vốn đang lăm le, nay có cơ hội nhảy vào hòng nuốt chửng lấy Việt Nam. 

Nhưng,  hào  khí  Tây  Sơn  là  bất  diệt,  là  sức mạnh  tự  nhiên  như  nước  sông  Côn  mùa  lũ,  như núi đồi hùng vĩ của ấp Tây Sơn thượng đạo, như nguổn   nước  Hầm  Hô  ào  ào  vượt  qua  các  thác ghềnh, đá tảng để chảy ra biển Đông. Hào khí Tây Sơn đã đập tan hàng nghìn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm- Xoài Mút trên dòng sông Tiền vào năm 1785 tại Vùng Đồng bằng Sông Cưu Long. Hơn thế nữa, hào khí Tây Sơn là tinh thần quyết thắng của "Tây  Sơn  thần  tốc”  tiến  công   trận   Ngọc  Hồi  để tiến lên trong một trận tiêu diệt chiến 20 vạn quân Thanh  tại  Gò  Đồng  Đa  vào  năm  1789  bên  dòng sông Tô Lịch.

Múa cờ trong ngày hội festival Tây Sơn - Bình Định

Năm 1789 là năm Việt Nam thống nhất dưới triều  đại  Quang  Trung  Nguyễn  Huệ,  là  năm  hào khí  Tây  Sơn  tỏa  khắp  non  sông,  mở  đầu  những “trang sử đổi mới” xã hội toàn diện để phát triển do hoàng đế Quang Trung vạch ra (rất tiếc là quá trình đổi mới xã hội đang thực hiện thì vua Quang Trung đột ngột qua đời). Nhìn về phương trời Âu, chúng ta có thể đối chiếu cuộc cách mạng Tây Sơn với cuộc cách mạng năm 1789 ở nước Pháp. Hào khí  Tây  sơn  chiến  thắng  khác  nào  hào  khí  Paris cách mạng cùng thời đã chiến thắng ở trời Âu!

Hào khí Tây Sơn đã tạo ra những con người lẫm liệt oai phong như nữ tướng Bùi thị Xuân quê ở làng Xuân Hòa, người đã từng luyện đội quân voi của Tây sơn và chỉ huy 5.000 quân lính trong trận đánh với quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh năm Nhâm tuất 1802. 

Theo giáo sĩ thiên chúa De La Bissachere miêu tả  thì  sau  khi  thất  bại,  bà  và  con  gái  đã  bị  quân Nguyễn khép tội voi giày; nhưng bà quyết không đầu hàng. 

Đó là danh tướng Võ Văn Dũng, người làng Phú Phong, thành viên của ban tham mưu Nguyễn Huệ chỉ huy trận quyết thắng Đống Đa lịch sử. Ông còn là  thành  viên  của  phái  đoàn   vương  triều  Quang Trung  (cùng  Nguyễn  Quang  Thùy,  Phan  Huy  Ích, Võ Huy Tấn ) đưa vua Quang Trung “giả" (do Phạm Công Trị đóng vai) sang hội kiến và xin Vương tước vào  năm  Nhâm  tý  1792,  sau  3  năm  chiến  thắng Đống Đa để mong có hòa bình cho đất nước. Đó là danh tướng Trần Quang Diệu, người trông coi việc xây  dựng  thành  Phượng  Hoàng  Trung  Đô  ở  Nghệ An.  Sau  khi  bị  bắt  ở  Thanh  Chương,  ông  bị  quân nhà Nguyễn xử tử vì không nghe theo lời dụ dỗ đầu hàng, làm việc cho giặc.

Hào khí Tây Sơn đã tạo nên những con người trung  thành  với  lý  tưởng  yêu  nước,  không  theo giặc ngoại xâm và chống giặc ngoại xâm đến cùng vì  độc  lập  và  tư  do  cho  đất  nước  của  nhân  dân lao động. Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu  và  hàng  vạn   chiến  sĩ  vô  danh  thuộc  triều đại Tây Sơn sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam như những Anh hùng dân tộc.

Ngày  nay,  chúng  ta  rộng  mở  vòng  tay  với thế  giới  bên  ngoài  để  phát  triển  và  phát  triển nhanh  đất  nước.  Thế  kỷ  XXI,  nhân  loại  sống  với nhau trong tình cảm hân thiện và tôn trọng nhau. Nhưng, tinh thần chống ngoại xâm, chống kẻ thù xâm  lược  đất   đai,  bầu  trời  và  lãnh  hải  nước  ta, chống sự lệ thuộc nước ngoài của hào khí Tây Sơn vẫn còn giá trị nguyện vẹn và sống mãi với các thế hệ nối tiếp theo.

Lễ dâng hương trong kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

 Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: