Làng nghề nó lá thuận hạnh, cơ hội để chuyển mình

Đăng bởi Admin vào lúc 02-05-2018

Xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) có 5 thôn, cả thảy đều có nghề chính là chằm nón, nhưng chỉ mỗi Thuận Hạnh được công nhận làng nghề. "Đó là bởi riêng với Thuận Hạnh, chằm nón là nghề chủ đạo của thôn, ở đây nhà nhà làm nón, người người làm nón" - ông Bùi Sỹ Hoàng, Trưởng thôn Thuận Hạnh cho biết.

Cả thôn có 351 hộ với 1.667 nhân khẩu, thì cũng có chừng ấy hộ làm nón. Về Thuận Hạnh, đi dọc những con đường bê tông, thể nào cũng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị ngồi chằm nón. Trừ thời gian gieo sạ và gặt, dân trong thôn dành thời gian làm nón. Rộ nhất là vào cuối tháng 10 âm lịch đến ra Giêng, lúc đó thương lái đến tận nhà, chờ nhận nón. Quãng ấy, đâu đâu cũng thấy cảnh làm nón, khoảnh đất ở đầu thôn, sân nhà, sân hợp tác xã hoặc cạnh chiếc giếng làng, đều trở thành nơi làm nón.

Làng nghề nón lá - Ảnh: Internet

Chiếc nón lá theo suốt cuộc đời người dân Thuận Hạnh. Cả người làm nghề lớn tuổi nhất trong thôn là bà Tạ Thị Quạ, 93 tuổi, cũng không thể nhớ nghề có từ khi nào. Ông Bùi Sỹ Hoàng cho biết, dân Thuận Hạnh, trẻ 11-12 tuổi đã biết làm nón tới 80-90 tuổi lưng cong vòng như bà Quạ vẫn hàng ngày ngồi dựa vào vách, mắt không đeo gương vẫn xỏ kim, thoăn thoắt nứt nón, chằm nón. Có nhà đông con gái, chỉ làm mỗi nghề nón để mưu sinh như nhà ông Nguyễn Hồng vẫn đủ ăn. Nghề làm nón còn theo chân các cô gái Thuận Hạnh về quê chồng.

Ngày nắng ráo, đàn ông Thuận Hạnh đảm nhận việc lên núi tìm lá nón. Lúc trời mưa thì ở nhà phụ làm. Lá nón đem về, được đạp dưới cát và sấy khô. Vành nón làm bằng tre. Nan đan sườn chuốt từ cây giang.

Thợ nón Thuận Hạnh có thể làm được nhiều mẫu nón. Những năm trước giải phóng, 1-2 giờ sáng, người Thuận Hạnh đem nón xuống chợ Gò Găng (An Nhơn) bán. Nón ngựa do thợ Thuận Hạnh làm khá nổi tiếng, đội mười mấy năm mới hư. Khi có đơn hàng, người ta làm cả mẫu nón Huế. Nhưng phổ biến nhất vẫn là mẫu nón lá trắng Gò Găng. Nón làm ra, loại hàng chợ thì ra chợ phiên, hàng khéo hơn thì vào phố dự vào nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (vì nay mấy ai còn đội nón nữa đâu). Nhưng chiếm số đông là để cho bạn hàng thu gom đem vào miền Nam tiêu thụ.

Ông Hoàng cho biết, năm nay, thời tiết thất thường nên lúa hư hết, dân Thuận Hạnh phải dựa hẳn vào nón. Hiện mọi người đang rất phấn khởi vì trước ngày diễn ra lễ công nhận làng nghề, gần 1 cây số đường vào làng nghề được đổ bê tông. Ngoài ra, còn có thông tin sẽ sớm có nhà trưng bày và logo hẳn hoi cho làng nón Thuận Hạnh.

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: