Thấy mai là đủ xuân rồi

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Các nước trên thế giới đều có quốc hoa riêng tượng trưng cho đất nước mình. Người Nhật có hoa anh đào, người Trung Hoa có hoa mẫu đơn … Thế còn Việt Nam ta thì sao? Bài viết sau đây, âu cũng là một ý kiến nhỏ trong lúc gió Xuân đang rạo rực về trên cành mai.

Trong muôn ngàn loài hoa trên đất nước ta có lẽ HOA MAI xứng đáng là tiêu biểu. Lần theo thời gian, theo chân các nhà thơ, nhà văn và họa sĩ thì bất cứ một nhà thơ nào, dù lớn hay nhỏ đều có ít nhất một lần viết về mai.

Tưởng cũng nói sơ lược về những danh sĩ tuy không phải là người Việt Nam nhưng đã yêu hoa mai đến trọn đời : Lâm Pha người bắc Tống, yêu hoa mai đến quê hình hương lửa! Vương Điện đời Minh suốt đời chỉ vẽ độc một loài hoa mai! Ở nước ta : Nguyễn Trãi – nhà thơ, nhà chiến lược – danh nhân thế giới, đã viết đến 5 bài về hoa mai trong Quốc âm thi tập. Xin trích bài MAI GIÀ với 2 câu :

Càng thuở già, càng cốt cách,
Một phen giá, một tinh thần.

Cùng phong thái ấy cụ Nguyễn Du viết :

Mai cốt cách, tuyết tinh thần.

Trong  "Hồng  Đức  thi  tập"  đời  vua  Lê  Thánh Tông có 2 câu thật nồng ấm :

Chớ, chớ ngại rằng mai lạnh lẽo!
Kìa, kìa, mai đã thức xuân nồng.

Đến  Mãn  Giác  thiền  sư  đời  nhà  Lý  có  bài  thơ xuân nổi tiếng với câu :

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Điền tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch :

Chớ bảo xuân tàn, hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước nở cành mai.

Câu thơ hay nhất trong những câu hay.

Cao Bá Quát tự hào về kiến thức uyên bác của mình, ông nói : Trong thiên hạ có ba bồ chữ – Anh của ông và bạn bè được một bồ, phần ông một bồ, còn một bồ chia cho thiên hạ. Ông là người :

"Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?" (Kiều)

Nên  ông  đã  đứng  lên  chống  triều  đình  nhà Nguyễn (Tự Đức)

Thế mà ông chịu cúi đầu trước hoa mai.

"Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"

Mai được ca tụng đến tuyệt đỉnh rồi!

Gần  hơn  là  danh  nho  Đào  Tấn,  nhà  thơ,  nhà viết tuồng đầu thế kỷ thứ 19 cũng gắn bó đời mình với hoa mai qua nhiều bài thơ, mà bài "Đề mai sơn thọ viên" là tiêu biểu.

"Mai sơn tha nhật tàng mai cốt,
Ứng hữu mai hoa tác mộng hồn"

Dịch nghĩa :

"Ngày nào mai núi gửi xương mai,
Hẳn có hoa mai làm hồn mộng".

Cụ còn lấy hiệu là Mộng Mai và khi chết được chôn núi Huỳnh Mai. Cụ xem hoa mai là tâm hồn, là  biểu  tượng  trong  sáng  nhất!  Yêu  hoa  mai  đến thế là cùng!

Không  chỉ  riêng  các  nhà  thơ,  các  danh  nhân mà ngày nay hoa mai đã thành nếp sống văn hóa của dân tộc trong ngày xuân.

Một thi sĩ viết :

"Thấy mai là đủ xuân rồi"

Thật không ngoa!

Mai  không  những  có  sắc  mà  còn  có  hương, hương  mai  không  ngát  mà  thoang  thoảng,  dịu dàng, quý phái tỏa rộng một vùng. Hoa mai lại nở vào dịp Tết là lúc mọi người cần và quý hoa nhất. Quê tôi nhà nào cũng có một chậu mai hay ít nhất cũng một cành. Ở miền Bắc trước đây ít hoa mai mà có đào. Hoa đào giống hoa mai về cấu trúc, chỉ khác hình dáng mà thôi! Ngày nay mai vàng đã đi khắp  mọi  nơi  trong  lòng  đất  nước. Mai  đã đi  vào thơ vào tranh. Những bức mai hạc, mai tùng, mai lộc  đã  nói  lên  lòng  mến  mộ  của  họa  sĩ.  Họ  hàng mai thật đông. Từ bạch mai, hồng mai, thanh mai đến  mai  cúc,  mai  hoàng  tỉ,  chiếu  thủy,  mỗi  hoa một  vẻ  riêng.  Có  lẽ  “ngũ  đài  mai”  là  đẹp  đẽ  tinh khiết  nhất.  Trông  mai  năm  cánh  nở  như  những ngôi sao rực rỡ khoe màu trước gió xuân là lòng ta thấy lâng lâng, chuẩn bị đón thêm một cái Tết trở về!

Xuân về trên Tp. HCM

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: