Lò rèn ba ty

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Ngày nay, mặc dù công cụ sản xuất phần lớn đã được cơ giới hóa, nhiều vật dụng sắt thép được làm ra bằng máy móc với chủng loại phong phú, nhưng những sản phẩm từ nghề rèn truyền thống không vì thế mà mất đi.

Đến  lò  rèn  Ba  Ty  (ở  tổ  3,  khối  5,  thị trấn  Phú  Phong)  vào  những  ngày này  sẽ  thấy  người  ra  vào  tấp  nập, tiếng  nói  cười  của  những  khách hàng xen lẫn âm thanh chan chát, leng keng, lách cách… của những va đập búa đe, sắt thép tạo ra không khí thật vui nhộn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ba Ty là lò rèn gia truyền từ nhiều đời nay. Lò rèn do anh Đỗ Văn Trường, 37 tuổi, làm chủ và anh là đời thứ 4 lưu giữ nghề rèn gia truyền. Anh Trường cho biết, từ nhỏ anh đã yêu thích nghề rèn và được cha anh truyền  dạy  cho  những  việc  đơn  giản,  từ  đó  sáng đi học, trưa về anh lại theo cha học nghề. Lớn lên anh  Trường  quyết  chí  lấy  nghề  rèn  làm  kế  sinh nhai.

Tây Sơn là huyện thuần nông nên những năm trước  đây  ở  hầu  hết  các  xã  đều  có  rất  nhiều  lò rèn.  Nhưng  do  chất  lượng  sản  phẩm  không  đảm bảo nên khách hàng đã quay lưng. Nhờ sản phẩm làm  ra  có  chất  lượng,  tiếng  lành  đồn  xa,  khách hàng tìm đến lò rèn Ba Ty ngày càng đông. Lò rèn không chỉ thu hút khách hàng trong huyện mà cả huyện Vĩnh Thạnh, thậm chí nhiều trang trại ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đến đây đặt mua hàng, chủ yếu  các  loại  nông  cụ  phục  vụ  nông  nghiệp  như dao, rựa, cuốc, xẻng, răng máy cày…

Anh Trường cho biết, trước đây lò rèn của anh có 6-7 lao động làm thủ công nên không đáp ứng kịp  nhu  cầu  của  khách  hàng.  Mấy  năm  gần  đây, anh  đã  mở  rộng  sản  xuất,  đầu  tư  trên  100  triệu đồng  mua  sắm  máy  đập,  máy  bào,  bể  điện  thay thế một số công đoạn làm bằng tay mới đáp ứng được nhu cầu. Những người làm công cho anh đều là con cháu trong gia đình… Bình quân mỗi tháng, cơ sở Ba Ty bán được khoảng 300 sản phẩm nông cụ,  mỗi  nông  cụ  có  giá  từ  30-70  ngàn  đồng,  tùy loại.  Mỗi  ngày  lại  có  thêm  hàng  chục  người  sửa nông cụ, giá mỗi sản phẩm được “tút” lại từ 5-10 ngàn  đồng.  Nhờ  vậy  cơ  sở  của  anh  cho  thu  nhập khoảng 400 ngàn đồng mỗi ngày.

Theo  anh  Trường,  để  có  được  sản  phẩm  rèn đạt  chất  lượng  phải  chọn  mua  loại  thép  tốt,  bên cạnh đó còn hai khâu quan trọng là trui và nguội. Kinh nghiệm gia truyền được thể hiện trong khâu trui. Đây là công đoạn quyết định cho chất lượng sản phẩm, vì thế kinh nghiệm này chỉ được truyền trong gia đình.

Chính  nhờ  kỹ  thuật  rèn  gia  truyền  được  anh Trường phát huy tốt mà hiện nay, những sản phẩm do  lò  rèn  Ba  Ty  làm  ra  có  uy  tín  và  được  khách hàng  ưa  chuộng,  ngày  càng  có  nhiều  khách  đến đặt hàng. Chị Hà Thị Giao, một khách hàng ở Tây Phú (Tây Sơn) đang chờ lấy câu liêm tại cơ sở rèn Ba Ty, cho biết: "Tôi đến đây để cắt chấu (rèn lại lưỡi cưa - N.V) cho câu liêm. Câu liêm do Ba Ty làm thì  cắt  lúa  để  gốc  lại,  còn  câu  liêm  các  chỗ  khác làm cắt lúa cứ bị nhổ gốc rạ lên. Chính vì vậy, nên mặc dù cơ sở rèn Ba Ty nằm trong hẻm tui cũng tới đây nhờ cắt chấu, có đông khách mấy tui cũng chịu khó đứng chờ. Tui cũng tới đây nhờ làm rựa, làm cuốc… Dân làm rẫy ở An Khê nghe tiếng cũng nhờ người về đây đặt làm nông cụ dữ lắm!".

Người xưa từng nói: "ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay" và "nhất nghệ tinh nhất thân vinh", chắc chắn nghề rèn truyền thống của cơ sở Ba Ty sẽ phát huy tốt cho dù KHKT có phát triển đến đâu!

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: