Danh ngôn trên lịch

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Bóc một tờ lịch đọc được câu danh ngôn hay, có lẽ cũng cần cảm ơn rất nhiều những người làm lịch đã cố công chắt lọc tinh hoa từ cả một kho sách để cống hiến người đọc. Năm mới dẫu giàu nghèo thế nào nhà nhà đều rước về ít nhất một cuốn lịch. Hàng trăm mẫu lịch, riêng lịch bloc cũng nhiều triệu cuốn đủ các thể loại, to nhỏ với các hình thức nội dung khác nhau nhằm đáp ứng mọi loại thị hiếu, túi tiền.

Nhưng dù phong phú đến thế nào thì tờ lịch cũng có những thông tin cơ bản: Đó là ngày tháng dương lịch, âm lịch; thứ trong tuần, tiết trong năm; ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Ngoài ra thì mỗi cuốn lịch mỗi vẻ. Có cuốn còn ghi thêm chữ Hán hoặc chữ Anh; có cuốn thêm giờ trong ngày theo cách tính can chi: Ví như thứ ba, ngày 29 tháng 11 năm 2002 tức là ngày 24 tháng chín (đủ) năm Nhâm Ngọ, giờ Canh Tí, ngày Canh Ngọ, tháng Canh Tuất... Tất cả các thông số ấy đều được ghi lên tờ lịch. Có cuốn lại còn ghi thêm giờ hoàng đạo, các sao cát, sao hung, việc nên kiêng, nên làm...

Đáng chú ý là hầu như bloc lịch nào trong những năm gần đây cũng ghi thêm nhiều danh ngôn, nhiều câu thơ hay. Bóc một tờ lịch, được một câu danh ngôn, một lời răn dạy về đạo đức, lối sống, về quan hệ ứng xử, cách nhìn nhận thế giới chung quanh... Về điều này, phải cảm ơn rất nhiều những người làm lịch đã cố công đọc thiên kinh vạn quyển, chắt lấy tinh hoa đưa đến cho chúng ta.

Tuy nhiên, trong việc này cũng có chỗ cần bàn thêm. Ví như việc đưa tên các danh nhân. Phần lớn những người xem lịch là người bình thường, chẳng phải các nhà bác học, các nhà thông thái, mà dẫu có là thông thái thì cũng không biết hết tên các danh nhân, các nhà trước tác trên thế giới. Cho nên khi chọn danh ngôn, trước hết nên chọn những lời hay của các danh nhân, các văn sĩ đặc biệt nổi tiếng, ai ai cũng biết như ở trong nước thì: Bà Triệu, Lê Lợi, Bác Hồ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tố Hữu, Xuân Diệu... Ở nước ngoài như: Giê su, Các Mác, Bandắc, Tônstôi, Anhstanh, Napôlêôn, Puskin... Ấy là tôi tạm kể một vài cái tên tiêu biểu, chợt đến trong trí nhớ. Trong và ngoài nước còn nhiều người mà nhắc đến tên họ thì hầu như ai ai cũng biết.

Nhưng cũng có những danh nhân không được nổi tiếng lắm, hoặc vì họ ở một đất nước, một nền văn hóa xa xôi, không mấy quan hệ với chúng ta, hoặc họ nổi tiếng ở một chuyên môn hẹp. Tôi đã đọc thấy trên một cuốn lịch những cái tên sau đây: Sandra Bulock, Guarami, Kanu,Hứa Hành, Trung Hiếu, Campbell, Klarkmun, Fuedmon, Rene Bazin... Quả tình sẽ rất nhiều ngươi không biết họ là ai, việc thưởng thức, ghi tâm những lời nói hay, những câu văn đẹp của họ sẽ khó khăn hơn nhiều. Thế mà các cuốn lịch không một lời chú thích về họ. Lẽ ra đối với những người này, sau cái tên, nên chăng có một chú thích nhỏ: Quốc tịch, thời đại sống, chuyên môn, danh hiệu... Thực ra đối với những danh nhân dẫu đã rất nổi tiếng, cũng vẫn nên có chú thích. Bởi vì như Napoleon, Puskin, Anhstanh... tuy rất nổi tiếng nhưng tôi đoán chắc là không phải ai cũng biết họ là ai. Vả lại chú thích trong trường hợp này còn là một cách để tôn trọng danh nhân và thực hiện ý nghĩa truyền bá của tờ lịch.

Bên cạnh đó, nội dung những trích dẫn cũng nên lưu ý, làm sao cho đơn giản, trong sáng, hợp với đại chúng, hợp với thẩm mỹ tập quán của dân tộc. Trích thơ, trích ca dao hay tục ngữ cũng nên chọn lọc, chỉ đưa những câu thật hay, hơn nữa, phải đúng. Ở nước ta, lịch không chỉ có tác dụng xem ngày, nó còn là một thú chơi tao nhã, bổ ích, là thứ trang điểm cho ngôi nhà đầu năm mới, và giữ trân trọng cho đến ngày cuối cùng trong năm. Cho nên nhiều người mua kén chọn khá kỹ, người ta muốn nhà sản xuất cho ra một bloc lịch chẳng những đẹp về hình thức mà nội dung cũng phải thật công phu, thích đáng. Thông tin đầy đủ về thời gian, danh ngôn cho ra danh ngôn, thơ hay cho ra thơ hay, đặt vào khoảng thời gian thật thích hợp. Như thế mỗi lần bóc tờ lịch gia chủ như được một món quà, gây một cảm hứng văn hóa đầy niềm vui cao quý. Những tờ lịch năm mới chuẩn bị rơi xuống có lẽ cũng cần chút suy nghĩ đọng lại về chúng.

Đã từng thấy một tờ lịch trích ca dao như thế này: "Con người có cha, có ông/ Như cây có cội, như sông có nguồn". Lẽ ra phải là: "Người ta có tổ, có tông...". Cũng nên tránh những cái lỗi rất nực cười, như trong âm lịch dân ta gọi tháng Giêng, tháng Chạp, chứ không phải tháng một, tháng mười hai như trong nhiều cuốn lịch vẫn gọi bừa.

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: