Nghệ nhân của đất và lửa

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Anh  Phan  Thanh  Bộ,  ở  thôn  Trà  Sơn, xã Tây An, huyện Tây Sơn là một chủ cơ sở sản xuất gạch giàu tâm huyết với nghề làm gốm truyền thống từ nhiều năm qua. Anh  vừa  được  Hiệp  hội  làng  nghề  Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Làm gạch cho di tích
Từ  nhỏ,  anh  Bộ  đã  mê  nghề  làm  gốm.  Sau nhiều thăng trầm, nghề gốm Trà Sơn dần mai một và dân làng chuyển hết qua làm gạch, ngói. Vì mưu sinh,  anh  Bộ  cũng  phải  rời  bỏ  nghề  gốm,  chuyên tâm nâng cao tay nghề làm gạch, ngói. Cách đây 7 năm, bất ngờ anh được đơn vị trúng thầu thi công trùng tu các tháp Chăm ở Bình Định đặt hàng làm loại gạch Chăm.

"Loại gạch này không như gạch xây nhà bình thường,  quy  trình  kỹ  thuật  sản  xuất  yêu  cầu  cao hơn. Nhưng tôi đã nhận lời. Tuy đã có công thức do các nhà khoa học cung cấp, nhưng để tạo ra sản phẩm  đúng  yêu  cầu  thực  tế  không  hề  đơn  giản. Sau  vài  lần  thất  bại,  tôi  đã  hoàn  thiện  được  kỹ thuật nung gạch để tạo ra sản phẩm đẹp, đạt yêu cầu về độ thấm và thoát nước…"- anh Bộ kể.

 
 Anh Bộ bên những viên gạch của mình

Ngoài  cơ  sở  của  anh  Bộ,  còn  có  hai  lò  gạch khác ở Phan Rang và Quảng Nam cũng được đơn vị  trùng  tu  đặt  hàng  sản  xuất  gạch  chuyên  dùng phục vụ công tác trùng tu tháp Chăm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có sản phẩm do anh Bộ sản xuất đạt yêu cầu, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận. Anh mày mò nghiên cứu để sản xuất được nhiều loại gạch, mỗi loại tương thích với một công trình trùng tu khác nhau. Gạch phục vụ công trình trùng tu tháp Dương Long khác với tháp Cánh  Tiên,  người  bình  thường  sẽ  khó  lòng  nhận biết sự khác biệt tinh tế đó. Nhưng với giới chuyên môn, thợ thi công thì khác, thậm chí họ còn nhận biết  mức  nặng  nhẹ  của  viên  gạch  mỗi  lô,  độ  xốp của viên gạch. Năng lực sản xuất từ đó cũng tăng dần  và  hiện  nay,  mỗi  năm  cơ  sở  của  anh  Bộ  sản xuất từ 50.000 đến 70.000 viên gạch đặc biệt này, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh Bình Định. Tại Hội chợ triển lãm Hàng công nghiệp nông thôn tiêu  biểu  khu  vực  miền  Trung  và  Tây  Nguyên  lần thứ  III  năm  2010,  sản  phẩm  gạch  chuyên  dùng trùng tu tháp Chăm của anh Bộ đã được cấp chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu.

Không quên nghề gốm
Thành công với sản xuất gạch, nhưng anh Bộ vẫn nhận đơn đặt hàng làm các loại vật dụng bằng gốm  để  giữ  nghề  truyền  thống.  Được  mời  tham gia  Hội  chợ  làng  nghề  truyền  thống  và  ẩm  thực tại Festival Tây Sơn – Bình Định 2008, anh Bộ đã bỏ ra gần nửa tháng trời làm mô hình cụm 3 tháp Dương  Long  cao  1,8  m  có  vẻ  đẹp  sống  động.  Mô hình gốm tháp Dương Long trưng bày tại hội chợ đã gây nhiều ấn tượng, có khách hàng đã trả giá mua 30 triệu đồng nhưng anh Bộ không bán, mà đem  về  trưng  bày  kỷ  niệm  tại  UBND  huyện  Tây Sơn.

Tại Festival Gốm sứ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bình  Dương  vào  đầu  tháng  9  vừa  qua,  cơ  sở  của anh Bộ được vinh dự đại diện cho Bình Định tham gia Hội chợ triển lãm "Gốm sứ thế giới sắc màu", có sự góp mặt của 22 làng nghề gốm sứ trong cả nước.

Những nỗ lực của nghệ nhân Phan Thanh Bộ đã  được  ghi  nhận  và  hy  vọng  anh  sẽ  nhận  được thêm sự hỗ trợ, để không lẻ loi trên con đường giữ nghề truyền thống còn nhiều thử thách.

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: