Tiền tệ thời tây sơn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Năm  1771,  xuất  phát  từ  đất Tây Sơn, lúc ấy gồm 2 vùng: vùng  thượng  đạo  thuộc huyện  An  Khê  tỉnh  Gia  Lai và vùng hạ đạo thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định bây giờ, phong trào nổi dậy của nông  dân  dưới  sự  chỉ  huy của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn  Huệ  và  Nguyễn  Lữ đã  bùng  nổ  mãnh  liệt  làm rung chuyển cả đất nước.

Với khẩu hiểu "Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan" và "Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo", nghĩa quân Tây Sơn phát triển nhanh chóng, đánh đâu thắng đó.

 
 Nghĩa quân Tây Sơn - Ảnh: internet

Năm Mậu Tuất (1778), sau khi đánh tan lực lượng của chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Đức, lập một vương triều mới (1778 – 1793) đóng đô ở thành Đồ Bàn đến năm 1786 thì dời đô về Quy Nhơn cho đến khi mất.

Năm Mậu Thân (1788), khi Nguyễn Huệ đang giữ chức Bắc Bình Vương cai quản vùng đất từ Bến Văn (Quảng Nam) ra Bắc, được tin Lê Chiêu Thống rước quân xâm lược Mãn Thanh về giày xéo đất nước, Nguyễn Huệ quy tụ ba quân quyết tâm chống xâm lược, lập đàn tế trời ở gần núi Ngự Bình (Phú Xuân) lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung rồi tiến quân ra Bắc đập tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị xây dựng một đất nước độc lập tự chủ.

Dưới triều đại Tây Sơn, không những để lại những chiến công lẫy lừng mà đạo trị nước cũng hợp lòng người. Các chính sách về ngoại giao, ngoại thương, về đinh điền, về học hành, về chùa chiền đều được hoạch định một cách đúng đắn.

Đặc biệt, chế độ tiền tệ dưới thời Tây Sơn đã có một vị trí cao trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Về thời gian : không dài lắm so với các triều đại khác (25 năm) nhưng trong đó chỉ có 5 năm thịnh vượng dưới thời Quang Trung.

Về số lượng tiền: đã đúc 37 kiểu loại tiền và thường một kiểu loại tiền được đúc nhiều lần, như vậy, bình quân một năm đã đúc từ 1,5 đến 2 lần.

Về  không  gian: đã tiêu dùng rộng khắp trong cả nước và có mặt ở biên giới Việt Trung và lan sang ở một số tỉnh ở Trung Quốc. Sách Trung Quốc hóa tệ sử của Bành Tín Uy do Nhà xuất bản nhân dân Thượng Hải xuất bản năm 1965 đã ghi việc "Cấm dùng tiền ngoại Quang Trung"

Về uy tín: tiền Tây Sơn được nhân dân tín nhiệm cất giữ và tiêu dùng không những dưới triều đại Tây Sơn trị vì mà còn kéo dài đến thời kỳ đầu của nhà Nguyễn.

Theo Đỗ Văn Ninh đã dẫn từ Đại Nam thực lục chính biên vào tháng chín năm Bính Tý niên hiệu Gia Long năm thứ 15 (1816) nhà vua có chiếu rằng : "Quy chế đúc tiền từ thời xưa ghi niên hiệu cốt để phân biệt. Từ thuở Tây Sơn lấn cướp đúc ra các thứ tiền ngụy Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng dân gian noi nhau thông dụng lẫn lộn rất nhiều. Nhưng noi theo đã lâu chợt lại nghiêm cấm thì người tích trữ phải đọng lại mà không thông, người quen dùng thì ngại tiền mới, thực ra không tiện cho dân. Vậy chuẩn định những tiền ngụy từ năm Định Sửu (1817) đến năm Tân Tỵ (1821) là 5 năm thì hãy cho thông dụng, từ năm Nhâm Ngọ 1822 về sau thì đều cấm. Ở trong hạn ấy thì kho tàng trưng thu và nhân dân mua bán không được kén loại, làm trái thì có tội".

Nhưng đến tháng 7 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh năm thứ ba (1822) vua lại chỉ dụ: "Vua thấy tiền ngụy hiệu, từ Quảng Bình trở vào Nam đã cấm dùng mà dân buôn lại nhiều kẻ đổi riêng để chuyên lợi. Muốn nghiêm cấm mới chuẩn định rằng "Các thuyền công tư từ kinh đi Quảng Nam cho đến Gia Định không được chở tiền ngụy hiệu, làm trái thì xử tội vi chế, tang vật xung công. Duy chỉ đi Thanh Nghệ trở ra Bắc thì không ở lệnh cấm này"".

Uy tín tiền tệ thời Tây Sơn phản ánh đúng uy tín của triều đại Tây Sơn, trước hết đại diện cho một phong trào rộng lớn, xóa bỏ áp bức, bất công và nghèo nàn trong nông dân, tiếp theo là đường lối xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, tự cường phù hợp với lòng dân.

Các kiểu tiền thời Tây Sơn: 
Tiền Thái Đức: 
Tiền "Thái Đức thông bảo" được đúc bằng đồng, đúc khá cẩn thận và đẹp, dù rằng tiền không dày lắm, chữ và dấu hiệu trên tiền không nổi lắm, song rất rõ ràng, dễ đọc, chữ viết chân phương.

Như thông lệ, tiền Thái Đức đúc tròn, lỗ vuông có gờ viền ở cả hai mặt và lưng đồng tiền. Về kích thước, đường kính tiền từ 22,5mm tới 24mm.
Mặt tiền: bốn chữ "Thái Đức thông bảo" đọc chéo từ trên xuống dưới, rồi từ phải sang trái. 
Lưng tiền: Ngoài gờ nổi viền mép và gờ nổi viền lỗ thì để trơn không có chữ hoặc dấu hiệu gì.
Loại tiền này có nhiều cỡ, đường kính khác nhau từ 22,5mm tới 24mm, chứng tỏ riêng loại tiền này đã có nhiều lần đúc khác nhau.

Tiền Quang Trung: 
Từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (1788), niên hiệu Quang Trung kéo dài từ 1788 đến 1792. Chỉ trong vòng 5 năm ngắn ngủi, Quang Trung đã cho đúc tới mấy chục loại tiền khác nhau, chứng tỏ số lần đúc tiền trong thời Quang Trung không ít và số lượng tiền đúc ra cũng không ít. Thực tế những phát hiện khảo cổ học đã cho phép rút ra kết luận rằng: Tiền Quang Trung được lưu hành rộng rãi trên khắp nơi trong nước, kể cả miền biên viễn và hải đảo xa xôi. Về số lượng, tiền Quang Trung áp đảo tất cả loại tiền Việt Nam và cả Trung Quốc được lưu hành đồng thời. Địa bàn lưu hành chủ yếu từ Bình Trị Thiên trở ra Bắc, nhưng ở các tỉnh phía Nam cũng lưu hành rất nhiều.

Tiền Quang Trung được đúc bằng đồng, kỹ thuật đúc có phần thua kém tiền Thái Đức, tiền mỏng hơn, chữ và dấu hiệu trên tiền cũng không nổi rõ bằng. 
Kích thước đường kính từ 23mm đến 26mm. Chữ hiệu tiền cũng đều đọc chéo. 
Mặt tiền : bốn chữ "Quang Trung thông bảo" đọc chéo.
Lưng tiền : ngoài gờ nổi viền mép và gờ nổi viền lỗ thì để trơn không có dấu hiệu gì.

Kiểu tiền này có nhiều loại khác nhau có thể dễ dàng phân biệt được ở gờ mép rộng hẹp khác nhau. Ở kích thước và độ dày mỏng của đồng tiền khác nhau. Có loại gờ viền mép ở lưng tiền rộng tới mức gần sát với gờ viền lỗ, đây là một đặc điểm chưa thấy ở kiểu tiền nào lưu hành xưa nay ở Việt Nam, khiến ta chỉ cần nhìn gờ viền ở lưng tiền đã có thể nhận ra là tiền Quang Trung thông bảo.

Tiền Cảnh Thịnh: 
Nguyễn Quang Toản, con Nguyễn Huệ, nối ngôi 1793 đến 1802. Trong 10 năm đó Quang Toản đổi niên hiệu 2 lần: niên hiệu Cảnh Thịnh từ 1793 đến 1801 và niên hiệu Bảo Hưng từ 1801 đến 1802. Tuy vậy, tiền đúc từ thời Quang Toản có 2 loại là Cảnh Thịnh thông bảo và Cảnh Hưng thông bảo. 
Kiểu loại tiền Cảnh Thịnh không nhiều bằng tiền Quang Trung dù số năm tại vị của Quang Toản dài gấp đôi Quang Trung.

Những đồng tiền đã lưu hành về mặt kiểu loại tương tự tiền Quang Trung, không có một loại nào mới hơn so với tiền Quang Trung trừ một loại tiền cỡ lớn thì thời Thái Đức và Quang Trung đều không đúc.

Tiền Cảnh Thịnh nhìn chung về mặt chất lượng kim loại tỏ ra tốt hơn tiền Quang Trung, một số loại được đúc dày hơn. Phạm vi lưu hành rộng rãi như tiền Quang Trung.

Tiền đồng nhỏ Cảnh Thịnh có đường kính từ 22,5mm tới 26mm. Riêng loại tiền lớn có đường kính tới 48mm. Chữ hiệu tiền đều đọc chéo.

Ôn lại tiền tệ Tây Sơn, chúng ta sẽ bắt gặp lại những hình ảnh đó trong thời kỳ chống xâm lăng dưới thời đại Hồ Chí Minh (1945 – 1975).

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: