Năm mới xem tranh dân gian đông hồ

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
                                            (HOÀNG CẦM)

Nghệ nhân làng tranh Đông Hồ
Nghệ nhân quét điệp lên giấy gió

Tranh  dân  gian  Việt  Nam  tồn  tại  trên  đất nước này đã hàng ngàn năm và trở thành một dòng nghệ thuật riêng biệt. 

Đến hôm nay, người dân vẫn còn yêu thích, nâng niu, giữ gìn chúng như những vật phẩm quý giá. Không ít người thuộc lòng tranh gà, lợn, đánh ghen… như thuộc ca dao tục ngữ. theo thời gian, mỗi  lần  phiên  chợ  Tết  họp,  là  có  tranh  dân  gian. Có  người  ví  von,  nếu  Tết  mà  thiếu  sắc  đỏ,  xanh của tranh Đông Hồ, người ta cảm thấy như thiếu đi bánh chưng xanh, câu đối đỏ !

Nhắc đến dòng tranh này, người ta nghĩ ngay đến các làng nghề nổi tiếng như Hàng Trống, Làng Sình…, trong đó làng tranh Đông Hồ đã có mặt ít nhất  từ  500  năm  nay.  Năm  2000,  các  nhà  khảo cổ  đã  khai  quật  được  hai  tấm  bia  đá  ở  nền  chùa cổ, trong đó có tấm bia khắc năm 1680. Trên bia có chạm hình mặt nguyệt và đôi chuột (nhân vật quen thuộc của tranh Đông Hồ) đang giã gạo.

Tranh Hổ hàng Trống

Về  kỹ  thuật,  tranh  Đông  Hồ  dùng  ván  gỗ  đã định hình để in. Để có được một bức tranh, người ta phải vẽ mẫu lên ván gỗ (thường là gỗ mít) và khắc  theo  mẫu  này  để  có  bản  in.  Tranh  có  bao nhiêu màu thì sẽ có bấy nhiêu bản. Màu được phết lên  bản  in  và  được  lên  giấy  dó  theo  thứ  tự:  đỏ, xanh, vàng, trắng và cuối cùng là màu đen (màu bắt nét).

Sự độc đáo của tranh Đông Hồ nằm ở màu sắc đều lấy từ thiên nhiên. Giấy làm tranh vẫn là giấy dó (từ cây dó ở rừng) phủ một lớp hồ điệp và dùng chổi lá thông tạo màu trắng và độ óng ánh. Màu sắc tranh thật tươi sáng và có nguồn gốc từ thảo mộc, đá. Ví dụ như: màu đỏ lấy ở quả gấc hay vỏ cây vang, màu trắng lấy ở vỏ sò, màu vàng lấy ở hoa hòe, quả dành dành, màu xanh lấy ở lá chàm, màu  nâu  lấy  ở  đá,  màu  đen  lấy  ở  than  tre  hoặc mực nho… Từ đó ra đời một cách gọi tên màu rất "dân  gian"  như  đỏ  cánh  gián,  xanh  lá  mạ,  cổ  vịt, nâu cánh kiến… Theo dòng chảy trên, tranh "đám cưới Chuột" thể hiện một đám rước gồm mười ba chú chuột đi rước dâu, cống nạp thịt, cá… cho chú mèo  to  lớn  chắn  ngang  đường.  Tranh  toát  lên  sự thật về nạn nhiễu nhương, hối lộ của các quan lại trong thời phong kiến. Bố cục tranh theo phương ngang, lấy "đơn tuyến bình đồ" và "ước lệ tạo hình" làm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, qua nét vẽ tài hoa của nghệ nhân, tranh đã đạt đến độ khái quát cao và có giá trị nghệ thuật nhất định.Tranh vẽ theo lối này không đặt nhân vật xen kẽ lên mặt phẳng, không chú ý đến quy luật viễn cận (nền tảng tạo hình châu Âu), mà chỉ tuân thủ theo nguyên tắc gần nhỏ, xa to; người có địa vị thì vẽ  to  hơn,  người  dân  lao  động  nhỏ  lại.  Con  mèo trong "Đám cưới chuột" chiếm một diện tích lớn là ví dụ thú vị cho điều này! Cũng có người nói quốc họa  Trung  Quốc  đã  có  tranh  "Chuột"  với  cô  dâu chú rể, kẻ rước người khiêng và con mèo to đòi hối lộ. Nhưng sự giống ấy chỉ là ở mặt hình thức, vấn đề là ở nội dung, tâm hồn dân tộc và sự tung tẩy từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân!

Tranh  "Đám  cưới  chuột"  (thực  chất  là  "Nghè Chuột  vinh  quy")  vẫn  là  tờ  tranh  được  nhân  dân Việt  Nam  yêu  thích.  Chính  sự  hóm  hỉnh  về  nội dung,  hình  ảnh  ví  von  gắn  liền  cuộc  sống,  kinh nghiệm chọn màu đã khiến tranh thắm đượm tâm hồn  Việt  và  trở  thành  niềm  tự  hào  của  nền  mỹ thuật nước nhà.

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: