Tôi gọi câu đối này là tác phẩm nghệ thuật ở lãnh vực ngoại giao, một tác phẩm làm nên bằng trí tuệ độc đáo và học vấn uyên thâm. Cái độc đáo, cái uyên thâm ở chỗ dường như cả câu đối 76 con chữ chỉ nói việc mừng thọ nhà vua thôi chứ không nói gì khác cả mà lại nói được tất cả.
Từ những năm 1977-1987, trong quá trình mò mẫm dò tìm các nguồn tư liệu, tài liệu nghiên cứu Đào Tấn, tôi may mắn được ông Mạc Như Tòng ở Quy Nhơn trao cho tập tài liệu chữ Hán chép tay dày 89 trang giấy dó, bìa ngoài đề Danh liễn hợp toản (DLHT) (chữ toản còn đọc là soạn).
Sắc phong thời Tây Sơn phát hiện ở Hải Dương |
Cả tập chép trên 500 câu đối các loại, chia làm 4 phần:
- Phần 1 (Giáp tập) gồm những câu đối nổitiếng gọi là “thông dụng”.
- Phần 2 (Ất tập) gồm những câu đối nổi tiếng treo ở các “cung điện, từ miếu, sảnh xá”.
- Phần 3 (Bính tập) gồm các câu đối nổi tiếng thuộc loại “khánh hạ, tặng đáp, ai vãn”.
- Phần 4 (Đinh tập) gồm những câu đối thuộc loại “tập cổ”.
Tiếp theo các phần trên có các tiểu mục như:
- Mai sơn liễn cú (các câu đối của Nguyễn Thượng Hiền);
- Hà Đình liễn cú (các câu đối của Nguyễn Thuật).
- Bích Khê liễn cú;
- Bích Khê Hoàng nhị giáp liễn cú.
Cuối cùng chép một ít câu đối lẻ tẻ khác.
Riêng cụ Đào Tấn được chọn trong tập DLHT 5 câu (nằm ở các số 77, 78, 87, 207, 209).
Theo ông Mạc Như Tòng thì đây là tập bản thảo do cụ Phó bảng Đào Phan Duân sưu tầm, ông được giữ tập tài liệu này từ hồi ông cộng tác với Đào công xây dựng Phước An Thương Hội, giờ đã đến dịp có thể trao lại cho tôi.
Ở phần 2 (Ất tập) tiếp sau câu đối trong chính điện Dực Tôn Anh Hoàng Đế (tức vua Tự Đức) là câu đối mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi. Và đây là toàn văn câu đối ấy:
- Long phi ngũ thập hữu ngũ niên, ngũ số hợpthiên, ngũ số hợp địa, ngũ sự tu, ngũ hành thuận, ngũ đại đồng đường, linh lung ngũ phụng lâu tiền, ngũ sắc côn hoàng huy thể thụ;
- Thánh thọ bát tuần phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát phương hướng hóa, cổ vũ bát loan điện lý, bát tiên phiêu miểu tấu nghê thường.(Thanh, Càn Long đế bát tuần khánh tiết điện trụ liễn, bản quốc sứ thần Nhữ Trọng Thai tác).
Tạm dịch nghĩa:
- Rồng bay năm chục lẻ năm năm, số năm hợp với trời, số năm hợp với đất, năm sự trau dồi, năm hành xuôi thuận, năm đời chung sống cùng nhà, trước lầu năm chim phụng long lanh, năm sắc đan xen chói rực cây màu lộng lẫy;
- Lễ thọ nhà vua tám tuần vào dịp tháng tám, tám ngàn năm là mùa xuân, tám ngàn năm là mùa thu, tám nguyên hiền tài đến, tám khải kẻ sĩ chầu, tám cõi đổi đời, cổ vũ tám chim loan trong điện. Tám nàng tiên thăm thẳm dâng điệu múa nghê thường.
(Câu đối treo ở trụ trong ngôi điện mừng thọ vua Càn Long nhà Thanh 80 tuổi, do sứ thần nước ta là Nhữ Trọng Thai viết).
Dù đã dịch sang Việt văn, dịch sát nghĩa, nhưng nếu không giải thích cặn kẽ thì bạn đọc ngày nay khó mà nắm bắt được hàm nghĩa sâu xa của từng con chữ bay liệng trong tác phẩm ngoại giao này.
Vậy, trước hết chúng tôi xin giới thiệu bối cảnh lịch sử câu đối ra đời, thứ đến sẽ tìm hiểu tác giả và hàm nghĩa sâu xa từng con chữ.
Nhà Thanh là triều đại cuối cùng của lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc. Nhà Thanh tồn tại từ 1616-1911, tổng cộng 297 năm, gồm 13 đời vua. Đến Càn Long là đời vua thứ 7, ở ngôi 60 năm (1736-1796). Năm Càn Long 80 tuổi tức là niên hiệu Càn Long thứ 55, cũng tức là năm 1790, sau chiến thắng Đống Đa của hoàng đế Quang Trung một năm. Và mãi đến sáu năm sau Càn Long mới chịu chết.
Nguồn sử liệu của hai học giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng cung cấp: Tháng 3 âm lịch năm 1789 một sứ bộ Việt Nam gồm có Nguyễn Quang Hiển, Võ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đình Cử lên đường sang Yên Kinh (bây giờ là Bắc Kinh) gặp vua Càn Long.
Phía Việt Nam trao trả cho nhà Thanh 800 tù binh, phía nhà Thanh trao trả cho quân đội Tây Sơn một số cựu thần nhà Lê là bọn Nguyễn Đình Bài cùng với gia quyến họ gồm khoảng ngót 100 người. Nhân dịp này vua Càn Long yêu cầu Nguyễn Huệ - lãnh tụ Tây Sơn năm 1790 sang thăm Càn Long nhân dịp lễ mừng thọ nhà vua 80 tuổi. Sứ bộ Việt Nam nhận lời. Cuối tháng 7 âm lịch năm 1789 vua Càn Long ký chỉ dụ phong Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Tháng 11 âm lịch năm ấy vua Càn Long cử sứ bộ mang chiếu phong vương sang Thăng Long, Ngô Thời Nhiệm cho người giả làm Nguyễn Huệ đứng ra nhận chiếu phong vương.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC) của Ngô gia văn phái nói: đầu năm 1790 Ngô Thời Nhiệm chọn một võ tướng là Nguyễn Quang Thực, người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường, Trấn Nghệ An giả làm quốc vương Nguyễn Huệ (về điều này sách Đại nam chính biên liệt truyện (sơ tập) là bộ sách ra đời sau HLNTC lại nói rằng Nguyễn Huệ giả là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, nhưng không nói chi tiết có thể tin cậy) cầm đầu phái bộ gồm 150 người, trong đó có ban hát 10 người, sang giao hiếu với nhà Thanh. Ngày 29 tháng Giêng âm lịch năm 1790 phái bộ lên đường (theo Dụ Am thi văn tập của Phan Huy Ích). Và ngày 29 tháng 11 âm lịch năm 1790 phái bộ về tới Thăng Long.
Thế là đã rõ, trong phái bộ 150 người do vua Quang Trung giả dẫn đầu sang Yên Kinh năm ấy có vị sứ thần Nhữ Trọng Thai, tác giả câu đối trên. Vậy hành trang của vị sứ thần tài hoa này như thế nào? Đó là điều tôi muốn tìm biết hơn 10 năm qua. May sao mới đây, ông bạn già, nhà sử học thứ thiệt - Đỗ Văn Ninh từ Hà Nội gửi biếu tôi món quà quí: các tài liệu về nhân thân sứ thần Nhữ Trọng Thai.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên quyển XXXIX, trang 541-542 chép: Nhữ Trọng Thai người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An (nay thuộc Hải Dương) đỗ Thám hoa khoa Quí Sửu (1733) năm Long Đức (triều Lê Thuần Tông).
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn |
Lúc bấy giờ có giặc Nguyễn Tuyển nổi dậy, "triều đình sai Đặng Đình Luận làm đốc lãnh thượng đạo Hải Dương, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai giữ chức hiệp đồng đem quân đi đánh dẹp". Đình Luận tiến quân đóng ở Đông Triều "Tuyển sai người xin hàng, Đình Luận tin lời, không phòng bị; đêm đến Tuyển đánh úp doanh trại, Đình Luận, Trọng Liêu, Trọng Thai đều bị bắt. Tuyển cho ở riêng một chỗ, sau đó Tuyển bị thua, bọn Đình Luận trốn về đều bị lột hết quan chức và tước phẩm".
Có lẽ vì thế mà khi Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà, Nhữ Trọng Thai gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn không chút do dự, Nhữ Trọng Thai trở thành nhân sĩ đắc lực giúp nhà Tây Sơn như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích… và được chọn tham gia phái bộ ngoại giao sang Yên Kinh năm 1790. Hồi ấy Nhữ Trọng Thai cũng đã thuộc diện lão thần cỡ tuổi 70 hơn…
Như trên tôi vừa giới thiệu: Lễ thọ vua Càn Long 80 tuổi tiến hành vào tháng 8. Năm vua Càn Long 80 tuổi cũng là năm nhà vua ở ngôi 55 năm, cho nên tác giả Nhữ Trọng Thai đã chọn hai con số: số 5 và số 8 làm điểm tựa, tạo nên sức sống trong cảm hứng nghệ thuật của câu đối mừng thọ:
"Rồng bay năm chục lẻ năm năm", mở đầu vế I câu đối tác giả ca ngợi thời gian ở ngôi của nhà vua lâu bền. Rồi luận về con số 5 hợp với trời, đất, hợp với qui luật vận động của tạo hóa, tác giả căn cứ vào triết lý của Dịch học.
Tiếp đến "năm sự trau dồi, năm hành xuôi thuận" thì hàm nghĩa từng con chữ thật không dễ hiểu.
Thiên Hồng Phạm sách Kinh thư giải thích "năm sự" gồm có: 1- Mạo (hình dáng); 2- Ngôn (nói năng); 3- Thị (xem xét); 4- Thính (nghe ngóng); 5- Tư (suy nghĩ).
Năm trạng thái ấy của con người cần được luôn trau dồi mới trở thành chính nhân quân tử. Và sự tồn tại của năm chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong “năm hành” (ngũ hành) luôn có sự đối đầu tượng xung, tương chế, như hỏa luôn luôn khắc với thủy chẳng hạn… nếu biết tương chế không để cho các chất ấy nằm ở vị trí đối đầu xung khắc là "thuận", cuộc sống sẽ yên lành. Còn ở vế đối II, tác giả viết "tám ngàn năm là mùa xuân, tám ngàn năm là mùa thu" vốn bắt nguồn từ điển cố: Thiên Tiêu diêu du sách Nam Hoa Kinh Trang Tử nói rằng:
"Thời xa xưa có cái xuân lớn, tám ngàn năm là mùa xuân, tám ngàn năm là mùa thu".
Ca ngợi sự sống lâu của nhà vua đến như vậy thì ai mà không hả lòng hả dạ. Vâng, sống lâu là chuyện đáng mừng, nhưng sống như thế nào ấy mới là điều đáng nói, tác giả viết: "Tám nguyên hiền tài đến, tám khải kẻ sĩ chầu" vốn bắt nguồn từ điển cố như thế này… Sách Từ Hải giải thích: Tám nguyên là kẻ sĩ tài đức ngày xưa. Nguyên có nghĩa là thiện, nói lời hiền lành trong mọi trường hợp. Sách Tả truyện chép: Thời vua Văn Vương năm thứ 18 (nhà Chu) họ Cao Tân có tám người tài giỏi, người trong thiên hạ đều gọi đó là "bát nguyên" (tám nguyên). Còn tám khải cũng là kẻ sĩ tài đức thời xưa. Khải có nghĩa là hòa nhã, hành động hòa nhã với mọi sự vật. Cũng sách Tả truyện chép: thời vua Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Dương có tám người tài giỏi, người trong thiên hạ gọi đó là "bát khải" (tám khải).
Có tuổi thọ sống lâu, có nhân tài quy tụ chầu hầu thì ắt làm cho "tám cõi đổi đời" mọi người no ấm, cuộc sống yên vui thái bình. Ấy mới là nhân tố quyết định tác động đến cuộc sống trong cung điện nhà vua, "tám nàng tiên thăm thẳm dâng điệu múa nghê thường".
Tôi gọi câu đối này là tác phẩm nghệ thuật ở lãnh vực ngoại giao, một tác phẩm làm nên bằng trí tuệ độc đáo và học vấn uyên thâm. Cái độc đáo, cái uyên thâm ở chỗ dường như cả câu đối 76 con chữ chỉ nói việc mừng thọ nhà vua thôi chứ không nói gì khác cả mà lại nói được tất cả!
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: