Câu đối là một loại nghệ thuật ngôn ngữ đặc biệt. Thực ra, nguồn gốc câu đối có thể nói đã khởi nguồn từ thi ca, nhưng lại có phần cao hơn thi ca, có người ca tụng câu đối là "thơ trong thơ" (thi trung chi thi), điều đó không phải hoàn toàn vô lý. Truy tìm tận nguồn gốc, câu đối thoát thai từ bài luật thi.
Các câu thứ 3, thứ 4 trong bài luật thi gọi là "hàm liên"; hai câu thứ 5, thứ 6 gọi là "cảnh liên". Về mặt kỹ xảo tu từ, câu đối có thể vận dụng hầu hết thủ pháp nghệ thuật có trong thơ như: Tỉ dụ, khoa trương, chuyển vị, hồi văn, dụng điển, tập cú... Những thí dụ về câu đối mang nhiều ý thơ có thể được dẫn chứng nhiều vô số.
Ảnh: internet |
Tông Trạch, danh tướng đời Nam Tống thuở nhỏ rất thông tuệ. Một lần theo chị lên núi chặt củi, chị đưa ra vế đối thử tài em:
Sơn thượng cổ tùng, thám xuất long đầu vọng nguyệt (Tùng cổ trên non, dò được đầu rồng ngóng nguyệt)
Tông Trạch đối ngay:
Viên trung tử trúc, tán khởi phụng vĩ triều thiên (Trúc tía trong vườn, gom lại đuôi phụng hướng trời)
Hình tượng "đầu rồng" ở vế trên ví với cây tùng cổ, hình tượng “đuôi phụng” ở dưới ví với cây trúc tía, vừa chỉn chu vừa khéo léo.
Quách Hi Hiền đời Minh ấu thơ thông minh hơn người. Một hôm, Hiền đi chơi với cha ở ngoài thành, khắp vùng đào nở đỏ giữa những rặng liễu xanh, chim oanh chim yến hót ríu rít.
Cha Hiền bỗng bật ra vế đối:
Yến nhập đào hoa, do như thiết tiễn tài hồng cẩm (Én bay vào hoa đào, giống như kéo sắt cắt gấm đỏ)
Hiền ngắm rặng liễu, đối rằng:
Oanh xuyên liễu thụ, kháp tợ kim thoa chức thuý bình (Oanh xuyên qua cây liễu, quả hệt thoa vàng dệt lụa xanh)
Ý, từ thật đẹp, hình tượng chặt chẽ, chẳng khác nào bức tranh vẽ cảnh mùa xuân rực rỡ.
Câu đối Tết (chữ Hán là xuân liên, hay xuân thiếp) là loại câu đối được vận dụng vào thực tế sớm nhất ở Trung Quốc. Trong xã hội xưa, đời sống đại đa số dân chúng không được no đủ, nhưng mỗi năm mới đến, người ta đều muốn trước cửa nhà mình có câu đối mới, như câu tục ngữ nói: "Có tiền hay không có tiền cũng phải dán câu đối tết". Chắc chắn câu đối chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống người Trung Quốc như lời học giả Chu Nhữ Xương đánh giá: "Câu đối tết của chúng ta (người Trung Quốc) vừa là sản phẩm vĩ đại hiếm có trên đời, vừa là hoạt động văn nghệ có tính đại chúng rất đặc sắc". Câu đối tết được coi như "sản phẩm cát tường", lại được viết trên nền giấy đỏ - màu mà dân gian vẫn cho là tượng trưng cho may mắn, vui vẻ.
Trong câu đối tết, ngoài những từ chúc tụng may mắn tốt đẹp, phải nêu bật được chữ "xuân":
Niên niên tuế tuế xuân tương tự
Tuế tuế niên niên nhân bất đồng.
(Năm năm tháng tháng xuân vẫn giống
Tháng tháng năm năm người khác rồi).
Câu đối tết còn yêu cầu nên có chữ "tân" (mới), hoặc nêu bật được ý mới mẻ:
Nhất da liên song tuế
Ngũ canh phân nhị niên.
(Một đêm liền hai tuổi,
Canh năm chia đôi năm).
Hoặc:
Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.
(Trời thêm năm tháng, người thêm thọ
Xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà).
Sau đây là một giai thoại thú vị gắn liền với câu đối xuân:
Tương truyền sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương định đô ở Nam Kinh, thường tới đình xây ở giữa hồ Mạc Sầu cùng đánh cờ với khai quốc công thần Từ Đạt. Hôm nọ, haingười chơi một ván cờ từ sáng cho đến tối mịt. Minh Thái Tổ cứ cho rằng mình đã thắng, Từ Đạt chẳng cãi một lời, chỉ tâu xin Hoàng đế hãy nhìn lại bàn cờ. Minh Thái Tổ gọi người đốt đuốc lên nhìn, vừa kinh ngạc vừa thích thú vì phát hiện ra các con cờ của Từ Đạt xếp khéo léo thành hai chữ “Vạn tuế”. Thái Tổ cực vui, lập tức cho xây một toà lầu ở chỗ đó và đặt tên là "Thắng Kỳ Lâu" (Lầu Thắng Cờ). Trên lầu có treo câu đối:
Thế sự như kỳ, nhất cục tranh lai thiên cổ nghiệp
Nhu tình tợ thuỷ, kỷ thời lưu tận lục triều xuân.
(Thế cục như cờ, một ván giành luôn thiên cổ nghiệp
Tình mềm tựa nước, bao giờ trôi hết sắc xuân kia)
Nói tới lầu, chợt nhớ Hoàng Hạc Lâu, bên trong có cặp đối rất hay:
Thanh Liên ưng quái ngã lai trì, bất cảm loạn đề thi, khủng bị cách giang anh vũ mạ.
Hoàng hạc dĩ tùng tiên khứ cửu, thảng giao trùng lộng địch, định kinh viễn tụ phụng hoàng phi.
(Thanh Liên nên tự trách đến chậm, không dám ẩu đề thơ, sợ bị bên sông chim két mắng.
Hạc vàng đã theo tiên lâu rồi, còn thêm tiếng sáo lộng, chắc e núi thẳm phụng hoàng bay)
Truyện kể thi nhân đời Đường Lý Bạch (hiệu Thanh Liên cư sĩ) đến Hoàng Hạc Lâu muộn hơn Thôi Hiệu. Khi Thôi Hiệu đã đề thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu rồi, Lý Bạch đọc thơ họ Thôi, than dài:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thường đầu.
(Trước mắt có cảnh nói không được
Thôi Hiệu đã đề thơ ở trên)
Hai vế đối treo ở Hoàng Hạc Lâu ấy, vế trên dẫn việc Lý Bạch lên lầu mà không dám đề thơ, vế dưới thuật lại câu chuyện thần thoại về con chim hạc ở phía Bắc hồ Vũ Hán, quả là câu đối hay và nhiều thú vị.
Nguồn: Người Tây Sơn 2012
Bình luận: