Trải qua bao biến cố thời cuộc, thanh âm vang vọng từ dàn trống trận vẫn như một khúc ca hùng tráng thôi thúc lòng tự hào về chiến công của tiền nhân. Trong số những hậu duệ của nhà Nguyễn đất Tây Sơn, Nguyễn Thị Thuận đã truyền giữ thành công điệu hồn của những tiếng trống hùng thiêng ấy.
Từ bài học vỡ lòng...
Chẳng ai ngờ rằng, với niềm say mê và lòng ngưỡng mộ tiền nhân từ những ngày thơ ấu, bài học vỡ lòng trong hành trình nối nghiệp nghệ thuật trình diễn trống trận Tây Sơn của nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận bắt đầu bằng... chiếc lon sữa bò và một đôi đũa tre!
Theo lời kể của chị Thuận, chị là em út trong gia đình chỉ có hai chị em gái. Thân sinh của chị Thuận, cụ Nguyễn Đào là thành viên trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ - nơi tưởng niệm ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, do con cháu của 3 vị anh hùng cùng nhân dân cư ngụ ở làng Kiên Mỹ (nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lập nên.
Cụ Đào chuyên đánh trống trận Tây Sơn trong các lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng 11 và mùng 5 tháng giêng (âm lịch). Vì không có con trai nối dõi tông đường, khi còn sống cụ Đào nguyện sẽ truyền lại “bí quyết” trống trận Tây Sơn cho hai người con gái, mong điệu hồn trong mỗi tiếng trống thiêng của tiên đế không bị mai một, thất truyền.
Những năm sáu, bảy tuổi, ngoài việc học chữ ở làng, chị Thuận đã bắt đầu làm quen với những điệu trống qua sự hướng dẫn của người cha. Chị bồi hồi nhớ lại: “Sau mỗi lần chứng kiến cảnh cụ thân sinh đánh trống trận, trong lòng tôi trỗi dậy cảm giác nôn nao, thích thú; về nhà thầm lặng đi tìm vỏ lon sữa bò, tập tọng làm theo với đôi đũa tre, leng keng suốt ngày. Từ một chiếc, dần dần “gõ” được bộ lon hai chiếc, bốn chiếc, tám chiếc rồi nâng lên mười hai chiếc như số trống vốn có của dàn trống trận”. Nhận thấy con gái mình có năng khiếu, cụ Đào đã can đảm cho chị “sờ” đến dàn trống thật. Năm 1976, cụ thân sinh của chị Thuận qua đời. Từ đó, chị Thuận được các vị trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ và dân làng tín nhiệm, kế tục vị trí của người cha. Trong ngôi nhà của chị Thuận hiện có một dàn trống trận 12 chiếc trống do chị tự trang bị để truyền nghiệp lại cho người con gái út Dương Thị Hương, năm nay tròn 23 tuổi. Nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận tâm sự rằng, trước lúc quy tiên, cụ thân sinh đã truyền bảo dù khó khăn đến mức nào cũng phải gắng giữ lấy điệu hồn của tiếng trống trận Tây Sơn như một bảo vật của dòng họ, xứ sở. “Tiếng trống ấy được cất lên ngay chính trên mảnh đất Tây Sơn huyền thoại như có một điều gì đó hào sảng, thiêng liêng mà không nơi nào có được”, chị Thuận bộc bạch chân thành.
Du khách xem biểu diễn trống võ tại Bảo tàng Quang Trung |
...Truyền giữ tiếng trống thiêng
Tục lệ đánh trống trận Tây Sơn trong những dịp lễ giỗ, lễ hội gắn liền với chiến công của Tây Sơn tam kiệt vẫn được duy trì trong đời sống tinh thần của người Bình Định như một cách truyền giữ tiếng trống thiêng của tiền nhân, bất chấp tham vọng của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì. Theo lời kể của chị Thuận, trải qua bao phiêu tán thời cuộc, gia phả của dòng họ đã bị thất lạc; những bậc cao niên trong dòng tộc chỉ truyền miệng lại cho con cháu những gì đáng nhớ về tổ tiên. Bài trống trận Tây Sơn, một "vũ khí" thần diệu của nghĩa quân Tây Sơn được truyền giữ đến ngày nay bằng con đường như thế.
Sau khi Bảo tàng Quang Trung chính thức thành lập vào năm 1979, cùng với việc sưu tầm các hiện vật lịch sử của nhà Tây Sơn nằm rải rác ở các địa phương trong nước, nhạc võ Tây Sơn với âm hưởng chủ đạo là thanh âm vang vọng từ dàn trống trận cũng được phục dựng. Nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận với tài nghệ của mình đã kế thừa xứng đáng vai trò trình diễn của người cha truyền lại.
Nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, quản giữ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa kho báu gồm hàng trăm hiện vật của triều Tây Sơn, ông Trần Đình Ký nói rằng, trống trận Tây Sơn như một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc dựa trên nền âm cổ truyền hò, xang, xế... Thể hiện được điệu hồn của trống trận Tây Sơn là điều cực kỳ khó, không phải ai cũng làm được.
Tiếng trống vọng lên phải thật hào hùng, bừng lên khí thế chiến đấu, chiến thắng của ba quân khi xông pha trận mạc; tiếng trống ấy còn là đòn thế tâm công lay chuyển ý chí của kẻ thù, hướng họ vào con đường chính nghĩa. Đã có nhiều người biểu diễn trống trận Tây Sơn nhưng hiện nay, nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận - đời thứ 9 trong gia đình có truyền thống đánh trống trận là người phả được hồn thiêng sông núi, hào khí thần tốc vào từng thanh âm khi réo rắt, khi hoan ca của dàn trống trận Tây Sơn.
Khúc ca hùng tráng
Sau khi soán lại vương triều vào năm 1802, Nguyễn Ánh cũng như các hậu vương của mình đã tìm mọi cách thủ tiêu những gì liên quan đến nhà Tây Sơn. Phần lớn những công trình kiến trúc kỳ vĩ như Thành Hoàng Đế, lăng tẩm... của Tây Sơn tam kiệt đều bị san bằng. Vượt lên nỗi lo sợ uy quyền và hệ lụy, người dân khắp nơi, đặc biệt ở đất Tây Sơn vẫn khắc giữ trong ký ức của mình những chiến công và cả những giá trị tinh thần mà các vị anh hùng áo vải cờ đào để lại. Một trong những khúc ca hùng tráng được lưu truyền đến ngày nay là trống trận Tây Sơn, trở thành một nét đặc trưng văn hóa - lịch sử của miền đất từng là phiên trấn của Tổ quốc ở phương Nam dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Theo ông Trần Đình Ký, trong hồi xuất quân, tiếng trống bình thản, nhịp nhàng nhưng hàm ẩn khí thế chiến đấu của đoàn quân trên đường ra trận mạc; tiết tấu của dàn trống trận chuyển sang réo rắt, nhanh, dồn dập khi xung trận - công thành thể hiện tiếng ngựa hí, tiếng hò reo, thế tiến công thần tốc; thanh âm ca khúc khải hoàn thể hiện niềm phấn khởi, mừng vui chiến thắng.
Từ chiến công bách chiến bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn nên điều đặc biệt trong tiếng trống trận Tây Sơn là không có hồi lui quân, khởi đầu và kết thúc đều vang vọng âm hưởng hùng ca. Trong dịp Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân cả nước như sống dậy hào khí một thời từ những tiếng trống thiêng ấy qua đôi tay tài hoa và dòng máu nguồn cội cuộn trào của hậu duệ nhà Nguyễn đất Tây Sơn - nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận.
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: