“Bí kíp điểm huyệt” thật ra không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, tiểu thuyết kiếm hiệp hay phim ảnh, người đang nắm giữ pho bí kíp này được giới võ thuật đồn đại bấy lâu nay là lão võ sư Lâm Ngọc Phú (An Nhơn, Bình Định) - Đại chưởng môn võ quán Bình Sơn.
Một thế võ Bình Sơn dũng mãnh |
Nói đến võ Tây Sơn không ai không biết câu truyền miệng “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Roi Thuận Truyền ý nói bài roi kì ảo của võ sư Hồ Ngạnh (nay đã thất truyền), còn bài quyền Lâm Gia của dòng họ võ sư Lâm Ngọc Phú được mệnh danh “Quyền An Thái ngã vô song” (không có bài nào hay hơn). Tuy nhiên trong pho bí kíp võ thuật của dòng họ Lâm có một bí mật chưa từng công bố mà người viết may mắn được ông tiết lộ…
Pho bí kíp gìn giữ 5 đời
Lão võ sư Lâm Ngọc Phú (Bảy Phú) cho biết: Pho bí kíp võ thuật của gia đình đã trải qua 5 đời với trên 300 năm tuổi. Trong bí kíp có nhiều thế võ khá “độc” trong nhà chỉ có con trai trưởng hoặc người con trai nào đủ tài đức mới được quyền xem qua, còn con gái tuyệt nhiên là không vì sợ lan truyền ra ngoài. Trải qua thời gian, ngày nay bản chữ Hán mục nát rất nhiều nên lão võ sư quyết định lên chùa Núi Lớn (Bình Định) mời cho bằng được nhà sư Huyền Ân nổi tiếng đức cao dịch ra tiếng Việt. Trước khi trao lại cho lão võ sư Bảy Phú, nhà sư còn nắn nót ghi lên bìa sách dặn dò chủ nhân “Giá ngàn vàng không đổi...”.
Lão võ sư tiết lộ: Thật ra đây là một quyển bí kíp y võ (dùng võ thuật để chữa bệnh) cực kì hiệu quả nhưng nếu không khéo để lọt vào tay kẻ xấu nó sẽ biến thành vũ khí điểm huyệt giết người trong nháy mắt. Người nắm được bí kíp này khi “xuất chiêu” hiểu rõ kinh mạch đối phương như lòng bàn tay thậm chí ra đòn xong biết rõ đối thủ sẽ chết trong một giờ, một tuần hay một tháng...
Giống cha là võ sư Hương Kiểm Lài lừng danh đất Tây Sơn, lão võ sư Bảy Phú không chỉ nổi danh là một võ sư lừng lẫy đất Tây Sơn mà còn là một thầy thuốc võ mát tay. Biết bao võ sinh mang ơn những phương thuốc bí truyền từ pho bí kíp giúp họ thoát khỏi thương tật tưởng chừng không chữa khỏi.
Vào cái thời cả làng võ thuật lấy võ đài làm thước đo “đẳng cấp” ấy, chàng trai Bảy Phú thượng đài chưa từng nếm mùi thất bại nên được làng võ kính nể gọi bằng biệt danh “Độc cô cầu bại đất Tây Sơn”. |
“Độc cô cầu bại” đất Tây Sơn
Theo các bậc tiền bối võ học, ngày xưa các võ sĩ muốn khẳng định tên tuổi chỉ có cách thi đấu võ đài tự do (không kể cân, không phân biệt tuổi tác, môn phái...). Lão võ sư Bảy Phú kể có lần ông bước lên võ đài giao đấu cùng một võ sĩ người Miên cao to có tiếng “sát thủ” với nhiều thế võ “độc” từ miền Nam. Sân Qui Nhơn chật kín khán giả đến nỗi sập cả cửa ra vào, bên dưới để sẵn... một cái quan tài để nếu có võ sĩ nào chết cũng không được khiếu kiện (!).
Vào trận, tay võ sĩ người Miên sử dụng toàn võ lạ. Suốt một hiệp đầu, chàng võ sĩ đất Tây Sơn toàn chống đỡ những cú đá liên hoàn cùng các đòn tay mạnh như búa bổ cố tìm ra điểm yếu của địch thủ. Sang hiệp 2, ông phát hiện khi đối phương tung cước thì bộ thủ rất chắc nhưng hở ngực nên lừa thế tung người sử dụng bài “Mạnh Lương đoạt ngựa” kẹp người đối phương quăng vào góc đài rồi bồi thêm một chỏ vào khuỷu tay khiến hắn đau đớn chịu thua...
Vào cái thời cả làng võ thuật lấy võ đài làm thước đo “đẳng cấp” ấy, chàng trai Bảy Phú thượng đài chưa từng nếm mùi thất bại nên được làng võ kính nể gọi bằng biệt danh “Độc cô cầu bại đất Tây Sơn”.
Chữ Tâm kia bằng ba chữ Tài
Giải thích về cái tên phái võ Bình Sơn của mình, lão võ sư Bảy Phú cười nói: “Nhiều người thắc mắc là tại sao tôi lại lấy hiệu Bình Sơn, nghĩa là núi bằng? Thật ra Bình là Bình Định, Sơn ở đây là Tây Sơn vì chúng tôi là người Bình Định, có nguồn gốc võ là Tây Sơn…”.
Lão võ sư Bảy Phú nhẩm tính hơn 50 năm từ ngày võ đường Bình Sơn mở cửa không thể nhớ hết có bao nhiêu lứa học trò từ Nam chí Bắc. Trải qua thời gian, làng võ An Thái vang bóng một thời với hàng chục lò võ nhưng hiện nay chỉ còn sót lại võ quán Bình Sơn vẫn còn duy trì. Không kể lứa võ sinh lớn lên ở làng An Thái vẫn hàng ngày tập luyện tại võ quán, thỉnh thoảng ông lại đón số học trò tận miền Nam, có khi ở Tây Nguyên nằng nặc xin theo học. Sau khi có bản dịch phần y võ xong, ông quyết định sẽ đốt quyển “bí kíp điểm huyệt” đi vì “nếu gặp người có Tâm có Đức nó sẽ giúp người rất nhiều, còn ngược lại vào tay kẻ ác cái hại khôn lường”.
Bài, ảnh: Nhã Uyên | giaoduc.edu.vn
Lão võ sư Lâm Ngọc Phú đạt bằng võ sư danh dự năm 1971, lấy bằng võ sư chính thức do Tổng cục Quyền thuật Việt Nam của chế độ cũ cấp năm 1974, văn bằng Diploma do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp năm 1999. Ông từng giành được huy chương vàng trong cuộc thi Võ cổ truyền toàn quốc năm 1991, được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tặng bằng nhiều khen vì những thành tích đóng góp cho võ cổ truyền Việt Nam cùng nhiều huy chương, phần thưởng cao quý khác... |
Bình luận: