Tuyệt kỹ miêu tẩy diện

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Ở tuổi ngoại lục tuần (sinh năm 1946), nhưng vóc dáng của võ sư Lý Thành Nhân, trông vẫn còn rất cường tráng. Người ta vẫn gọi ông và người em trai "thúc bá đồng đường" Lý Xuân Hỷ là võ sư "mèo" vì cả hai đều là truyền nhân chính thống của Lý gia Võ đạo với tuyệt kỹ "Miêu tẩy diện". Gia phả Lý gia nổi tiếng khắp làng võ Bình Định bởi hai thế mạnh là roi và quyền. Thế nhưng, có một tuyệt kỹ công phu mà nhắc tới, giới võ thuật phải nể sợ ấy chính là bài quyền "Miêu tẩy diện" (mèo rửa mặt).

 Võ sư Lý Thành Nhân

Võ sư Lý Thành Nhân cho biết: Ông nội Lý Hân của ông thuộc phái Thiếu Lâm Bắc  Tông,  khi  sang  định  cư  ở  Bình Định,  ông  được  hấp  thụ  thêm  tinh hoa của võ Bình Định, cả hai hòa quyện lại thành một  và  "Miêu  tẩy  diện"  là  một  trong  những  sản phẩm  từ  sự  tương  tác,  hòa  hợp  ấy.  Nếu  để  ý,  sẽ thấy con mèo khi ngủ dậy, mèo ta "rửa mặt" bằng cách lấy 2 bàn chân trước vuốt mắt. 

Những  động  tác  ấy  vừa  để  "rửa  mặt"  nhưng cũng là để tự vệ và sẵn sàng vồ mồi ngay. Luận về sự tinh túy của bài quyền gia bảo, võ sư Lý Thành Nhân bảo: "Miêu tẩy diện" nó tha thướt lắm, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng mạnh mẽ lắm. Tập "Miêu tẩy  diện"  không  khó,  nhưng  luyện  cho  đến  mức thân pháp và bộ pháp thành thục thì không dễ. Tới mức  uyển  chuyển  nhẹ  nhàng  như  mèo,  ra  chiêu không nghe tiếng động, di chuyển không nghe gió, chỉ  khi  "chỉ"  (móng  vuốt)  tới  nơi  mới  nghe  "phà" (con  mèo  làm  phép)  thì  đối  phương  đã  dính  đòn rồi. 

So  với  bài  quyền  nổi  tiếng  "Lão  hổ  thượng sơn", bài quyền "trấn môn" của võ phái Nam Tông, thì tính "nhu" trong "Miêu tẩy diện" còn nhiều hơn. Tất cả các chiêu thức trong bài "mèo rửa mặt" đều nặng  tính  tự  vệ  nhưng  rất  linh  hoạt  và   có  thần. Để ý sẽ thấy hổ cũng như mèo giống nhau về cách tự vệ. Nhờ cách "rửa mặt" mà hổ chụp được gươm giáo, quắp lấy con mồi khi đang rượt đuổi.

Võ sư Kim Long đang biều diễn bài quyền "Miêu tẩy diện"

Có điều, thế mạnh đôi tay của hổ mạnh mẽ, hùng lực, còn mèo thì linh hoạt nên "chỉ" của mèo lại hiểm hơn đánh vào những yếu huyệt. Một điểm khác nhau nữa giữa hổ và mèo là hổ khi tấn công chỉ nhìn về một hướng toàn thân bất động. Trong khi mèo có thể ngoảnh mặt, lắc đầu đề phòng tứ phía mà không gây tiếng động. 

Thế  nên  hổ  được  xem  "chúa  tể  sơn  lâm",  là "mãnh  hổ  tướng  quân",  trong  khi  mèo  được  coi là  "cô"  của  hổ.  Chiêu  "độc"  cuối  cùng  tránh  "đứa cháu" hổ của mèo chính là nhảy phóc lên cao. Thân thủ của mèo nhẹ nhàng, linh hoạt là vậy. Bởi thế trong võ học nhanh nhẹn và nguy hiểm nhất là đôi tay. Chân có thể mạnh, uy lực nhưng không đáng sợ bằng bộ tay vì chân ít khi đánh được huyệt đạo, còn tay thì biến hóa khôn lường. 

Võ Sư Lý Thành Nhân, luận về "Lão hổ thượng sơn" (bài quyền số 3 trong số 12 bài quyền thống nhất của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam) cũng rất thú vị. "Lúc trước, cũng như nhiều người, tôi cho rằng "Lão hổ thượng sơn" là "cọp già trên núi cao", nhưng  càng  nghiên  cứu,  suy  nghiệm  thì  không phải như vậy"- võ sư “mèo” nói. Thật ra đó là một cách nói chữ ẩn ý sâu xa của người xưa. "Lão" ở đây hàm ý là "lão luyện" một con hổ trưởng thành, học  hết  sách  vở,  đã  trải  qua  nhiều  trận  mạc  đạt tới  mức  tinh  thông,  vượt  qua  ngọn  núi  thử  thách (thượng sơn), là hành trình mà bất cứ bậc cao thủ nào cũng phải đi qua. "Lão hổ thượng sơn" mang thần  thái  uy  nghi  của  chúa  tể  sơn  lâm.  Động  tác dứt khoát, tấn thoái nhịp nhàng, xoay chuyển biến hóa. Lúc chậm thì ung dung, lúc nhanh lại vô cùng dũng mãnh. Các thế đánh và biến thế: như Bạch hổ  khởi  động,  Lão  hổ  vồ  mồi,  Đơn  tọa  phục  hổ... đều  có  thể  vận  dụng  khi  công  cũng  như  khi  thủ. Đấy  chính  là  điểm  "cương"  trong  "nhu"  của  bài "Lão hổ" vậy. 

Bây giờ, võ sư "mèo" Lý Thành Nhân vẫn còn một băn khoăn lớn là món gia bảo "Miêu tẩy diện" lâu nay chỉ truyền đời mà không có "khẩu quyết" để lưu truyền một cách rộng rãi. 

Và một cơ duyên đến với ông và cũng là Lý gia Võ đạo khi ông nhận võ sư trẻ Kim Long làm đệ tử. Chính  Kim  Long  sau  khi  thọ  giáo  "Miêu  tẩy  diện" đã nảy ra ý viết bài thiệu cho bài quyền. Dù mới chỉ là bản thảo, nhưng cả hai thầy trò rất tâm đắc. Không lâu nữa khi tìm được sự thống nhất của cả những “trưởng lão” của Lý gia, chắc chắn bài thiệu sẽ chính thức được công bố để tuyệt kỹ "Miêu tẩy diện"  được  lưu  truyền  rộng  rãi  trong  giới  võ  học gần xa.

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: