Riêng vùng đất “Tây Sơn trung đạo”, trong đó có huyện Tây Sơn ngày nay, không chỉ là trung tâm của cuộc đại hội tụ lịch sử, là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, mà còn là “chiếc nôi” của võ cổ truyền Bình Định
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”: Vùng đất Bình Định (BĐ) xưa có tên gọi là Việt – Thường – Thị. Từ những năm đầu thế kỷ thứ X đến khoảng giữa thế kỷ thứ XI, địa danh này mang tên Vijaya, thuộc Vương quốc Chămpa cổ (Kinh đô là Thành Đồ Bàn hay còn gọi Chà Bàn). Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mở rộng nước Đại Việt về phía Nam, lấy núi Thạch Bi (khu vực đỉnh đèo Cù Mông hiện nay) làm ranh giới. Trong suốt 20 năm đầu (1471 – 1490), nhà Lê chỉ cử các thổ quan là người địa phương cai quản và đến khoảng đầu năm 1491 mới tiến hành phân chia địa giới, hình thành bản đồ hành chính và đặt tên vùng đất mới này là Phủ Hoài Nhơn (hay còn gọi Hoài Nhân), gồm 3 Huyện: Bồng Sơn (7 Tổng, 32 Xã), Phù Ly (6 Tổng, 60 Xã), Tuy Viễn (6 Tổng, …). Đến năm 1602, đổi tên thành Phủ Qui Nhơn, thuộc Dinh Quảng Nam và cuối cùng là Tỉnh Bình Định tồn tại cho đến ngày nay.
Biểu diễn võ thuật trong Festival Quốc tế võ thuật Bình Định 2010 |
Sau khi thị sát vùng đất “Hưng Vương” này, vua Lê Thánh Tông tiên đoán: “Với thế đất, thế núi, thế sông, thế biển hợp thành thế “Hùng Long yểm địa”. Rồi đây sẽ xuất hiện bậc đế vương, anh hùng cái thế làm nên nghiệp lớn”. Sau này, thầy giáo Trương Văn Hiến, một đại minh chủ, văn, võ kinh bang (người Huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, cùng quê với Tổ tiên Tây Sơn tam kiệt) vào ẩn cư ở làng Thắng Công (giáp huyện Tây Sơn), trong những lần truyền dạy binh pháp, võ lược cho Nguyễn Huệ cũng có lời “sấm” tương tự: “Con là người Tây Sơn, có chân mạng Đế vương, hãy cố lên mai này sẽ nên nghiệp lớn”.
Theo sách” Phủ biên tạp lục: "Xưa kia địa hình nơi đây cực kỳ hiểm trở, núi non trùng điệp (Phía Bắc, phía Nam, phía Tây đều là đèo cao sừng sững, rừng thiêng, nước độc, thú dữ, cướp bóc hoành hành, còn phía Đông là mênh mông biển cả). Mặt khác còn phải thường trực đối mặt với quân Chămpa từ bên kia dãy núi Thạch Bi tràn sang quấy nhiễu, nên nhà Lê phải cùng lúc đưa các võ tướng, võ quan thượng đẳng võ công, các chiến binh thiện chiến, võ nghệ cao cường vào trấn giữ, đồng thời khuyến khích những gia đình, dòng tộc gan dạ, giỏi võ từ “Đàng Ngoài” vào khai sơn, phá thạch, dựng xây hương trang, làng mạc, Bình Định lâu dài, bền vững cùng với người bản địa. Sau đó còn có cả những anh hùng, hào kiệt, võ công tuyệt luân, đầy khí phách, nhưng do bất mãn chế độ nhà Lê cũng lần lượt đến đây ẩn cư, chờ thời…
Chính cuộc đại hội tụ lịch sử, như thể “cơ duyên Thiên định” của phần lớn các bậc kỳ tài xuất chúng, văn, võ kinh bang tế thế, tiêu biểu cho các dòng võ, trường phái võ, hệ phái võ, môn phái võ mang hình thái riêng của nhiều vùng, miền trong cả nước, cùng những tinh hoa văn hoá độc đáo, các loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng, đa sắc màu, đã góp phần kiến tạo nên diện mạo, thần thái, tư chất của con người Bình Định, như sách “Đại Nam nhất thống chí” đã nhận xét: “ Người Bình Định tính tình trầm tĩnh, gan dạ, thích làm việc nghĩa. Người học thức phần nhiều nho nhã, trung hậu. Đồ mặc, đồ dùng giản dị, mộc mạc, không ưa văn hoa. Ngày rảnh việc hay bày hát Tuồng, múa Võ”
Biểu diễn binh khí trong Festival Quốc tế võ thuật Bình Định 2010 |
Đặc biệt kể từ khi nhà Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa (những năm giữa thế kỷ XVIII) dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của người anh hùng áo vải, Nguyễn Huệ, vùng đất Bình Định đã bước sang trang sử mới, phát triển trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục, ngoại giao… Đặc biệt, trong lĩnh vực võ học, đã được nâng lên hàng “Quốc võ”, trong đó nhà Tây Sơn đã cho nghiên cứu, kế thừa, đúc kết và nâng tầm võ cổ truyền dân tộc lên thành hệ thống võ học tương đối hoàn chỉnh, với cả một kho tàng đồ sộ, bao gồm: võ lý, võ lễ, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc… theo một chỉnh thể liên hoàn, thống nhất, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, thích ứng với mọi điều kiện địa lý, địa hình, địa vật (đánh trên rừng, núi, trên chiến thuyền, trên lưng voi, lưng ngựa, dưới đầm lầy, sông nước…) theo phương châm: “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ chống lớn, lấy yếu đánh mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy cường phá nhược…”. Riêng chính sách “Tịnh vi dân, động vi binh” được các sử gia xem như một “thần lực” góp phần “cải tạo” nòi giống hùng cường, sẵn sàng ngăn chặn ngoại xâm, bảo an vững chắc bờ cõi. Chính sách này đã nhanh chóng khích lệ người dân ra sức luyện tập võ nghệ, sử dụng thành thạo binh khí, để khi thanh bình thì mọi người đều có sức lực tráng kiện, võ nghệ cao siêu, bảo vệ bản làng,lao động, sản xuất, còn khi có hoạ ngoại xâm thì muôn người như một nhất tề đứng lên giết giặc, lập công.
Binh khí võ thuất thời Tây Sơn |
Nhờ các chính sách hợp lòng dân, nhất là chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ”, nên sau khi rời khỏi chiến khu “An Khê Trường” (vùng Tây Sơn thượng đạo – nay thuộc tỉnh Gia Lai), nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất Tây Sơn “địa linh nhân kiệt”, hùng cứ vững bền, “cơ trời đã định” (Sự tích Nguyễn Nhạc được “Ngọc Hoàng ban ấn, kiếm” ở núi Trưng Sơn – nằm phía Tây huyện Tây Sơn ngày nay) lập “Đại bản doanh” để tụ nghĩa quần hùng, chiêu mộ anh tài hào kiệt văn võ tuyệt luân khắp nơi trong cả nước, phất cờ khởi nghĩa. Từ đây, vùng đất Tây Sơn không chỉ là “Trung tâm đầu não” của cuộc khởi nghĩa long trời, lở đất, đập tan ách thống trị bạo tàn và là nơi sản sinh các tinh hoa đất nước, các võ quan, võ tướng kỳ tài, mà còn là nơi đại hội tụ của phần lớn các chính nhân quân tử, anh hùng, nghĩa sĩ văn võ thượng thặng khắp nơi trong cả nước, tiêu biểu: Trương Văn Hiến (Thầy giáo Hiến), Đinh Văn Nhưng (Chảng chảng ngang Thiên), Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Phạm Công Trị, Nguyễn Trung Như, Cao Tắc Tựu, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, La Xuân Kiều, Lê Chất, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Tăng Doãn Văn (Tăng Bạt Hổ), Võ Văn Nhậm, Mã Vĩnh Thắng, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh, Võ Văn Cao, Võ Văn Doãn (Chàng Lía), Trần Thị Quyền…Đúng như sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn đã mô tả: “ Đất Tây Sơn giờ đây đã gần như một nước thu nhỏ, với đủ đầy các danh nhân kiệt hiệt trên nhiều lĩnh vực, có cùng chung chí hướng: Đánh đổ cường quyền, áp bức, bất công, đem lại yên bình, thịnh trị cho muôn dân, dựng xây cơ đồ xán lạn” Chính cuộc “đại hội tụ” có một không hai này, không chỉ lập nên những kỳ tích oai hùng, chiến công vĩ đại của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, góp phần khai sáng vùng đất võ Bình Định uy danh sau này, mà còn dệt nên bao huyền thoại, sự tích lẫy lừng về lịch sử võ học, về các danh nhân văn hoá, về khí phách của các anh hùng, hào kiệt và các bí quyết võ công siêu việt của con người Miền đất võ. Có lẽ vì vậy mà người đời nay thường mệnh danh vùng đất này là “Đất võ, Trời văn”. Đất của Tây Sơn “tam kiệt” (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), Tây Sơn “Thất hổ tướng” (Anh hùng Đại võ công Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng), Tây Sơn “Lục kỳ sĩ” (Danh sĩ kỳ tài Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài, La Xuân Kiều, Trịnh Đình Thiệp, Cao Tắc Tựu), Tây Sơn “Ngũ phụng thư” (Các nữ võ tướng lừng danh Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Dung, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc) và đời nay có “Bàn thành tứ hữu” (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn)…
Festival Quốc tế võ thuật Bình Định 2010 |
Riêng vùng đất “Tây Sơn trung đạo”, trong đó có huyện Tây Sơn ngày nay, không chỉ là trung tâm của cuộc đại hội tụ lịch sử, là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, mà còn là “chiếc nôi” của võ cổ truyền Bình Định. Nơi đây, không những sản sinh các anh hùng dân tộc đại võ công, các võ tướng, võ quan kiệt xuất, các danh sĩ uyên bác, các võ sư vang bóng một thời, như: Tây Sơn tam kiệt, Võ văn Dũng, Diệp Đình Tòng (thầy dạy võ công cho Trần Quang Diệu), Trần Quang Diệu, Trần Nha, Lý Văn Bưu (biệt danh “con Beo bay trong ây”), Nguyễn Thị Dũ (người truyền dạy kiếm pháp cho Bùi Thị Xuân), Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trương Mỹ Ngọc, Lê Quí Cảnh, Võ Đình Tú, Nguyễn Đình Tứ, Võ Xuân Hoài, Nguyễn Văn Tứ, Đặng Đức Tuấn, Mai Xuân Thưởng, Huỳnh Ngạc, Nguyễn Hoá, Bùi Điền, Lê Tuyên, Phạm Toản, Cha Hồ, Chú Nhẫn… mà còn hình thành các địa danh, làng võ, môn phái võ lừng danh trong thiên hạ, tiêu biểu có An Vinh (Các danh sư Nguyễn Ngạt, Đinh Hề, Hai Tửu, Bốn Mỹ, Sáu Hà, Bảy Lụt, Chín Giác, Cai Quên, Khiển Phạm, Năm Nghĩa, Hương Kiểm Cáo, Đội Sẻ, Ba Thông, Tuần Sửu, bà Tám Cảng, Nguyễn Tiếp, Nguyễn Thiếp, Trần Dần…), Thuận Truyền (Có danh sư Hồ Triêm, Lê Thị Quỳnh Hà, võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh (Hồ Nhu), Xã Trấp, Hồ Cường, Xã Thọ, Bộ Nung, Huỳnh Xuyến, Dư Đính, Hồ Tuyền, Lê Thành Phiên, Nguyễn Song Bá, Hồ Sừng, Hồ Sơn Kỳ…), Tây Giang (Ngoài đại danh sư Hồ Thôi, biệt danh Mười Hổ, đã tiêu diệt hàng đàn Hổ dữ, cứu giúp dân làng ở vùng Tiên Thuận, là sư phụ của nhiều anh hào đất Tây Sơn, còn có các danh sư Mười Kinh, Cả Thấn, Lê Xuân Quang, Thành Châu, Phạm Tiên, Trương Cử, Dư Giao, Nguyễn Nhôn, Đặng Minh Xuân, Nguyễn Uyên, Phi Long…), Bình Nghi có danh sư Phan Thọ, các võ sư Phan Thanh Sơn, Phan Hữu Đức…, Bình An có danh sư guyễn Trá, Đặng Vĩnh Nghê… cùng các thế hệ người dân Tây Sơn, góp phần hun đúc nên khí phách kiên trung, tinh thần đấu tranh quật khởi, ý chí vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống, tiếp bước truyền thống thượng võ oai hùng của vùng đất vang dội chiến công, qua ngót gần 550 năm hình thành và phát triển.
Đặc biệt, nơi đây còn dệt nên bao huyền thoại, sự tích ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu, hiếm có, mang đậm dấu ấn lịch sử, trong đó nổi bật về sự tích Nguyễn Nhạc được “Ngọc Hoàng trao Ấn, Kiếm” ở núi Trưng Sơn, sự tích về câu Thiệu võ “Tẩu độc Thố, Trưng Sơn hoành gián kiếm” trong bài “Roi Tái Sơn” (Hòn Trưng Sơn nằm ở phía Tây huyện Tây Sơn), sự tích bà Chúa Sứ và nữ võ tướng Bùi Thị Xuân thuần dưỡng, luyện Voi chiến, giai thoại về “Cha Hồ, Chú Nhẫn” và các tráng sĩ đả Hổ đất Tây Sơn, huyền thoại về Thành Uất Trì (Thành này được vua Chămpa xây dựng vào giữa cuối thế kỷ XV, trên đỉnh núi thượng nguồn Hầm Hô, để án ngữ cả vùng Tây Nguyên và ngăn chặn sự tấn công từ bên kia núi Thạch Bi), sau này bị hoang phế, không người lui tới. Chàng Lía đã sử dụng làm “Đại bản doanh” để các hảo hán, nghĩa sĩ trú ngụ, cất chứa “chiến lợi phẩm” và đêm đêm đi “ăn cướp” của bọn cường hào, ác bá, phú hộ gian ác chia cho dân nghèo. Ở đây còn có sự khác biệt giữa bộ “Võ trống trận Tây Sơn, hay còn gọi “Võ Nhạc Tây Sơn” gồm 24 trống trước đây, với “Nhạc Võ Tây Sơn” hiện nay, về tuyệt kỹ võ công của “Roi Thuận Truyền”, của “Quyền An Vinh”, về bí quyết của ngọn Roi “đánh nghịch” (lấy nghịch chế thuận), của đường Roi “cộng lực”, của phách Roi “Tề mi”, Roi chiến hay còn gọi Roi trận...
Từ những chiến công oai hùng, những mốc son chói lọi cùng những huyền thoại và sự tích lẫy lừng của vùng đất đầy ắp bao sự kiện và chứng nhân lịch sử, càng làm cho hào khí Tây Sơn toả sáng khắp muôn phương, trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân Tây Sơn, viết tiếp trang sử vàng rực rỡ về vùng đất thượng võ, nhân văn, thắm đượm tình người này.
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: