"Ai về Bình Định mà coi Con gái Bình Định cầm roi đi quyền" Không biết từ lúc nào, câu ca dao đó đã đi vào lòng tôi.Và hôm nay dưới tán me già của Bảo tàng Quang Trung, tôi đang nghe tiếng trống trận dập dồn và ào ào nhịp bước hành quân thần tốc.
TỪ VĂN MINH TRỐNG ÐỒNG
Bộ môn văn hóa này, theo dân thoại Bình Ðịnh gọi là “Nhạc Võ Tây Sơn” và theo nhạc pháp gọi là “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”. Ai cũng biết, sắc thái đặc biệt trong nền văn hóa cổ xưa của người Việt nổi bật hơn cả là việc dùng trống. Những cuộc khai quật đã đem đến cho các nhà khảo cổ cái trống đồng mà đặc trưng hơn cả là “trống đồng Ngọc Lũ” là chứng cớ đặc biệt của nền văn minh Việt.
Tiếng trống từ xưa đến nay đối với dân tộc Việt Nam vẫn là hiệu lệnh để thi hành công việc tập đoàn, để báo hiệu một công việc có quan hệ chung, trống ra quân, trống ngũ liên, trống thu không, trống cầm canh... thường ở đình làng nào cũng có cái trống lớn để báo hiệu, trước khi là một công việc nghệ thuật từ trống chầu đến cầm chầu cho con hát. Vậy ụng ý của trống đồng là đại biểu uy lực của thủ lãnh quần chúng, ban hành mệnh lệnh để rồi trở nên huy hiệu của mệnh lệnh và trở nên thiêng liêng.
Vì vậy, ta có thể nói rằng việc chế tạo và sử dụng trống là sắc thái đặc biệt của văn hoá Việt Nam, và không có chi lạ khi ta biết rằng trong thời Tây Sơn (1788-1802) sắc thái đặc biệt ấy của văn hóa dân tộc được Tây Sơn tam kiệt khai thác đến triệt để, thì nghệ thuật trống võ cũng đã đến tuyệt đỉnh.
ÐẾN NHẠC VÕ TÂY SƠN
Nhạc khí căn bản của nhạc võ Tây Sơn là một dàn trống do quân Tây Sơn dùng khi thao diễn quân sĩ tại võ trường, khi xuất quân cho khí thế thêm mạnh mẽ, khi thúc quân lướt tới trận mạc cho mau lẹ, khi cần hành quân tiến thối nhịp nhàng, khi hãm thành cho uy thế thêm mãnh liệt, hoặc là khi khải hoàn mà reo mừng thắng trận.
Bộ trống đúng theo kinh điển gồm 12 cái, mỗi cái mang tên một con giáp của thập nhị chi: tí, sửu, dần, mẹo, thìn... và khi học nhạc thì tên các con giáp này cũng là tên các cung bậc do tiếng trống phát ra. Ðường kính mỗi trống lớn, nhỏ khác nhau, da bịt trống thì căng chùng, thẳng cũng khác nhau nên tiếng trống cao thấp khác nhau.
NGHỆ THUẬT ÐÁNH TRỐNG
Khi đánh trống thì nghệ sĩ dùng roi trống (dùi trống), có khi bỏ cả roi trống mà chỉ dùng những ngón tay, dùng bàn tay, dùng nắm tay, dùng cùi chỏ... nghĩa là dùng đủ cả bộ phận của hai tay. Trường hợp dùng roi trống thì cứ mỗi nhịp điệu cử động của ta là ta có thể nghe được bốn âm thanh phát ra: nơi đầu roi trống (1), kéo sang đuôi roi trống (2), hạ cùi chỏ xuống (3), và bật ngửa nắm tay vào mặt trống (4). Cứ như thế mà hai tay của nghệ sĩ nhảy múa trên 12 cái trống khi lơi lả nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi phấn khởi khoan thai. Chỉ có hai cái tay mà đánh cả một dàn trống 12 cái nên nhạc pháp gọi là “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”.
Tuy nhiên, trong trường hợp mà nghệ sĩ vượt khỏi tầm kinh điển đến bậc siêu thặng thì ngoài 12 cái trống đặt ngay trước mặt để cho hai tay sử dụng theo đúng nhạc pháp Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ, hãy còn đặt thêm 5 cái trống khác ở phía sau: một cái đặt ngang nơi đầu để đầu ngả ngửa húc vào, hai cái đặt ngay hai bên hông cho hai cùi chỏ thúc vào và còn hai cái nữa thì đặt cho vừa tầm hai gót chân để đá hậu vào, vị chi là 17 cái trống. Nghệ sĩ “chơi” nổi 17 cái trống (ông Tám Ngang) thì không còn nữa, mà trước đây chỉ còn có nghệ sĩ chơi được 12 trống mà thôi. Tuy nhiên, khi nghe xem thì vẫn thấy là siêu việt.
Trước khi chơi, nghệ sĩ đi một đường quyền, bái tổ rồi mới bắt đầu đánh trống và các bản nhạc lần lượt nổi lên. Nghệ sĩ, điệu bộ hùng dũng, công lực dồn lên nét mặt, trổ ra hai tay dồn dập bên 12 cái trống xem như một nghệ sĩ đang múa đường quyền bên 12 cái trống kiểu lăng ba vi bộ nên mới gọi là nhạc võ. Nghệ sĩ chơi bộ môn này cần phải biết võ thuật và khiếu thẩm âm để sự biệu diễn tăng thêm phần ngoạn mục.
Thu Sương biểu diễn trống võ cùng các nghệ sĩ Đội TTVH tỉnh đội Bình Định |
NGHỆ THUẬT MỘT THỜI BỊ MAI MỘT
Trước đây, có một thời không nghe ai nhắc đến “Nhạc Võ Tây Sơn” là vì một lẽ dễ hiểu. Khi nhà Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn Gia Long chiến thắng, nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn tru di đến nỗi mộ phần của các Ngài cũng bị quật lên, nghiền xương tán nhỏ làm thuốc súng bắn xuống biển, các tôi trung nhà Tây Sơn đều phải mai danh ẩn tích. Những cái hay của nhà Tây Sơn cũng phải dấu đi kẻo để lộ cho người khác biết được đi báo thì sẽ bị tù đày. Do đó mà di tích nhà Tây Sơn đều bị phá bỏ hết. Ðồng bào Bình Khê thương nhớ ba Ngài lén lập đền thờ mà bề ngoài cũng phải ngụy trang là miếu thờ thần. Ai có thương nhớ giữ được cái gì hay của Ba Ngài thì để bụng chẳng dám phô trương vì sợ chính quyền nhà Nguyễn mà hay được thì không tránh khỏi hậu quả khốc hại. Nhạc võ Tây Sơn cũng cùng chung cái số phận này.
Thi sĩ Quách Tấn cho biết: Ngày xưa, môn võ thuật Bình Ðịnh chia làm 4 bộ môn: côn, quyền, kiếm, cổ (trống) chứ không phải kích.
Về môn Cổ thì võ sinh thường treo lủng lẳng ngay hàng, hàng năm, muời cái trống (loại trống chầu hát bội) để tập võ. Võ sinh sẽ đánh, đá vào cá cái trống ấy. Trống bị sức mạnh đánh, đá sẽ văng ra xa và nhờ dây treo thối ngược lại. Lối tập võ bằng trống này, một là để tạo những cú đánh (đấm), đá mạnh, nặng cân hơn; hai là để tập sự nhanh nhẹn chống đỡ, tránh né. Nếu ai không tinh mắt lẹ tay thì chắc chắn sẽ bị trống thối ngược lại đập gây thương tích.
Về sau, dường như con người mỗi ngày một yếu dần nên không còn ai dám tập võ bằng trống nữa mà tập bằng những bao đựng cát hoặc bằng bưởi, bòng... Từ đó, danh từ tập võ bằng trống ít ai nhắc tới, dần dà rồi mai một. Có người bảo Nhạc Võ Tây Sơn là biến thể của lối tập võ bằng trống này. Ðiều đó không lấy gì làm chắc. Nhưng nếu quả vậy thì nhà Tây Sơn thật là kỳ tài đã khéo khai thác từ bộ môn võ thuật chuyển sang bộ môn âm nhạc, rồi lại dùng âm nhạc mà giáo dục võ thuật, gây không khí hào hứng trong quần chúng, kích động lòng hăng say chiến đấu của các chiến sĩ bằng tiếng trống.
Ngày nay, tại Campuchia, người ta cũng dùng trống để tập võ. Trên võ đài Miên mà thiếu tiếng trống thì võ sinh không tài nào biểu diễn được.
NHỮNG NGƯỜI GIỮ TRUYỀN THỐNG
Khi thực dân bị lật đổ, nhà Nguyễn tàn theo thì chỉ có hai người, một ở Bình Khê (nay là Tây Sơn) và một ở Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, còn giữ được cái chân truyền ấy và xem như quốc bảo. Người ở Bình Khê là ông Tám Ngang, ông là người sử dụng được 17 cái trống, ông đem dạy lại cho ba người: hai đứa con trai ông và một người học trò. Người con trai đầu chết, người thứ hai thì năm 1954 ở trong đoàn văn công của tập kết ra Bắc, còn lại người học trò kia là nghệ sĩ Tân Phong (tức Nguyễn Phong).
Người ở Tuy Phước tên là ông Bầu Thơm (tức Võ Ðôn) là một ông bầu hát bội và cũng là một nhạc sư về loại nhạc hát bội, ông dạy lại một người học trò đó là nghệ sĩ Mười Thông (tức Hoàng Thông) là một nghệ sĩ hát bội và một roi trống hát bội có hạng.
Hai ông thầy vì tuổi già đã qui tiên còn lại hai người học trò trên kia, tuy không phải bậc siêu đẳng đánh nổi 17 trống, song cũng học được đúng truyền thống của nhạc pháp “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”. Trước năm 1975, ở Phù cát có anh Nguyễn Việt cũng tập đánh được 12 trống và ở Bình Khê có hai em bé gái (một em 7 tuồi, và một em 12 tuổi) do đoàn Ca Võ Nhạc Tây Sơn đào tạo cũng tập đánh được 5 trống (ngũ âm) xem rất ngộ.
Mỹ Nữ đang biểu diễn trống võ |
GIÓNG TRỐNG KHẮP NƠI
Ngày 8-11-1967, Hội Văn Hoá Bình Dân Sài Gòn mời anh Tân Phong trình diễn tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ tại Sải Gòn nhân có buổi lễ của cơ quan UNESCO tổ chức tại trường này.
Ngày 11 và 12-1-1968, trình diễn tại rạp Thống Nhất Sài Gòn và sân Tinh Võ Chợ Lớn do ban Quản Trị Ðiện Tây Sơn Bình Khê tổ chức dưới sự giúp đỡ của Hội Ðức Trí Thể Dục SAMIPIC (Société pour l’Amélioration Moral Intellectuelle et Physique des Indochinois de Cochinchine) và đoàn thể Vovinam.
Ngày 16-8-1969, trình diễn tại Trung Tâm Văn Hoá Bình Ðịnh tại Qui Nhơn nhân ngày khánh thành Trung Tâm này.
Ngày 15-3-1970, được phái đoàn điện ảnh thu hình và đã trình chiếu trên màn ảnh truyền hình Việt Nam vào đêm 25-4-1970 tại Sài Gòn và tại Cần Thơ, Qui Nhơn, Huế vào các đêm kế tiếp.
Ngày 18-6-1970, được phái đoàn Ðiện ảnh Bộ Thông Tin thu hình làm phim tài liệu và sẽ trình chiếu trên các màn ảnh ciné và truyền hình.
Ngoài ra, hàng năm vào ngày mồng 5 Tết tại điện Tây Sơn Bình Khê, tiếng trống kích cảm của môn Nhạc võ Tây Sơn đã vang lên mở đầu cho chương trình tế lễ vua Quang Trung và lễ hội Tết Đống Ða, kỷ niệm trận chiến thắng quân Thanh oanh liệt nhất trong lịch sử của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào mùa xuân năm 2009.
BÀI BẢN NHẠC VÕ
Vì mang danh là nhạc võ nên bài bản phần nhiều cũng mang tính chất quân sự như bài: Khai Trường, Xuất Quân, Hành Quân, Hãm Thành, Khải Hoàn.
Nhạc võ Tây Sơn, muốn biểu diễn đúng theo truyền thống và xem cho đẹp mắt thì trước hết, đi đầu là bộ phận của chiêng, trống, có quân hầu, lọng che; theo sau là hai toán quân (mặc áo cạp nẹp, chân quấn vòng ve, đầu đội nón dấu, tay cầm đao, kiếm, côn...) rồi đến giàn Nhạc Võ đặt trên một chiếc xe đẩy (Nhạc trưởng đứng giữa, hai bên là bốn nhạc công: đờn, kèn, chập chõa, mõ phụ họa); sau rốt là vị tướng chỉ huy lẫm liệt trên mình voi hoặc ngựa.
Bắt đầu biểu diễn, vị tướng kêu gọi:
Ngoài biên thùy quân thù xâm lấn
Trong nội tình đất nước lâm nguy
Phận làm trai sinh tử nẹ chi
Quyết một dạ lên đường cứu quốc!
Nhạc trưởng tiếp theo
Anh em ơi!
(Toàn thể nhạc công) “Dạ”
Lệnh trên đà ban xuống
Phận dưới phải thi hành
Dùng kế mưu kích cổ đa thanh
Ðịch lầm tưởng hùng binh vạn đội
Ðằng trước khởi chinh cổ, giàn nhạc võ nổi lên và lần lượt theo các bài bản do vị tướng chỉ huy.
1- Bài Khai Trường
Biểu diễn Trống võ trong Festival Quốc tế võ thuật Bình Định 2010 |
Bài Khai Trường chỉ dùng để luyện tập quân sĩ hay chào mừng các vị tướng chỉ huy khi cần đến diễn võ trường. Ðiệu nhạc khoan thai, hùng dũng. Thuở xưa, mỗi dịp có vị Hoàng đế hay vị Nguyên soái đến diễn võ trường để mở một cuộc diễn võ, tập võ hay là chọn tướng sĩ thì khi vị ấy bước vào võ trường, mỗi xứ có một điệu nhạc riêng để chào mừng nhà lãnh đạo. Riêng đối với quân Tây Sơn, điệu nhạc đó là ba hồi trống khai trường. Nhạc hát bội thường chỉ có hai cái trống căn bản gọi là “trống âm” và “trống dương” hay “trống quân” và “trống chiến”. Nếu người ta biết rằng hát bội ngày nay là do cụ Ðào Tấn ở Bình Ðịnh lập thành qui chế, thì phép đánh trống của hát bội cũng đánh nhái theo điệu Khai Trường của Nhạc Võ Tây Sơn.
Trống Khai Trường của hát bội phải đánh đúng ba sách, mỗi sách tám phách. Khi đánh đúng 24 phách, nhạc sĩ mở ra thành trống chiến và chờ cho trống quân gióng giáp ba hồi lại 9 tiếng thì người trống chiến phải thét theo. Khi thét xong, nghĩa là khai trường xong thì nhạc sĩ mở trống ra cho nghệ sĩ ra sân khấu. Lúc đó thì người hát hát, nam, khách hay xuân... thì người đánh trống phải đánh theo thứ ấy. Nhưng thường người đánh trống chỉ được quyền đánh khi người nghệ sĩ trên sân khấu đã “thủ” và “vĩ”. Nếu người đánh trống tự ý đánh theo, gọi là đánh nhái.
Nói về bài bản của nhạc hát bội thì có 8 bài kể từ bài nhịp một đến nhịp tám còn âm thanh hay hoặc dở tùy theo người nhạc sĩ bắt già hay non mà thôi.
2- Bài Xuất Quân
Xuất quân có nghĩa là đem quân đội ra chiến trường, nó có nghĩa là khởi hành và bao giờ khởi hành thì điệu nhạc phải làm sao cho tinh thần chiến sĩ phấn khởi lên, hăng hái lên và cũng phải gây cho được trong lòng mọi người một niềm tin chiến thắng. Do đó, nhạc xuất quân của Nhạc Võ Tây Sơn theo điệu này là một điệu nhạc hùng, nhịp của nó càng nhặt làm cho tim mọi người đập càng lúc càng mau, nghe hăng hái, phấn khởi.
3- Bài Hành Quân
Ta tưởng tượng một đạo quân hùng hậu đã xuất quân trong tình thần tối cao nhưng mà sau một khúc đường dài chắc hẳn cũng đã thấy mệt mỏi.
Trong lúc ấy vị tướng chỉ huy chỉ kêu gọi nầng cao tinh thần suông, chúng ta có cảm tưởng rằng lời kêu gọi ấy không được đáp ứng.
Trái lại, nếu lời khuyến khích là một lời êm ái, dịu dàng, có vẻ vui vẻ, có vẻ đùa cợt ... thay vì đem lời hùng hồn thì đem lời an ủi êm ái, chắc có lẽ kết quả sẽ hay hơn.
Khi đọc truyện Tàu, chúng ta nhớ lúc Quản Di Ngô ngồi trong cũi để được đưa về nước Tề thì thấy các quân khiêng cũi hơi mệt mỏi nên Quản Di Ngô bèn đặt ra những bài ca, bài hát để cho quân sĩ đi theo nhịp bài ca mà quên mệt mỏi.
Còn trong truyền thuyết của Tây Sơn, người Bình Khê thường thuật lại rằng: Khi quân Tây Sơn đi ra Thăng Long ngày đêm không nghỉ; phải hai người gánh võng một người. Để quân ta quên mệt mỏi, vua Quang Trung mới bày ra chuyện thi đua kể chuyện tiếu lâm để cho quân sĩ hào hứng. Và chúng tôi cũng nghĩ rằng không biết chừng dàn trống của Nhạc Võ Tây Sơn lúc ấy lại trổi khúc hành quân nhằm mục đích giống như mục tiêu của việc thi đua kể chuyện tiếu lâm trên kia.
Khúc nhạc này của Nhạc Võ Tây Sơn cũng diễn tả được cái ý nghĩ đó. Khúc nhạc này có đoạn nhạc sĩ chỉ đánh thuần bằng tay không, bằng những ngón tay, bàn tay, nắm tay và cùi chỏ nghe rất vui tai và xem đẹp mắt.
4- Bài Hãm Thành
Chúng ta lại tưởng tượng tiếp như đoàn quân Tây Sơn đã đến dưới chân thành và vị tướng chỉ huy đã ra lệnh hãm thành thì phận sự của nhạc sĩ sử dụng giàn trống là phải gây cho chiến sĩ một tinh thần nỗ lực tối đa để công phá thành trì hầu cướp được cho nhanh chóng. Ðiệu nhạc này nghe thật là sôi nổi, dồn dập, kích động tối đa lòng dũng cảm của mọi người.
5- Bài Khải Hoàn
Và sau cùng là bài Khải Hoàn. Ðiệu nhạc này dĩ nhiên âm thanh phải diễn đạt cho được sự vui mừng, phấn khởi, hò reo của người chiến thắng. Ai đã có nghe xem Nhạc Võ Tây Sơn sẽ nhận rõ điều đó. Ðiệu bộ và âm thanh hòa nhịp khoan, nhặt, khi bổng, khi trầm, khi lơi lả, lúc dồn dập thật là khó tả. Ngày xưa, “Người Việt đã nghe tiếng gọi của Trưng Trắc, Trưng Nhị mà chống lại Tô Ðịnh muốn lấy luật pháp mà trói buộc; đã mười năm gian khổ theo Lê Lợi để khỏi phải bím tóc và kết đuôi sam giống người Minh; đã cùng Nguyễn Huệ đánh trống tiến quân vào Thăng Long để đuổi đám tướng binh nhà Thanh nhiễu loạn cuộc sống của dân chúng. Và chắc chắn mãi mãi về sau này, dân tộc Việt Nam còn thì văn hóa dân tộc Việt Nam cũng vẫn có, và vẫn còn cái tinh thần bất khuất để bảo vệ nền văn hóa của dân tộc”.
Bởi vì tiếng trống Lạc Việt, tiếng trống Tây Sơn luôn luôn mang nặng tình tự dân tộc và văn hóa Việt Nam không bao giờ thiếu vắng những tiếng trống đặc trưng đó.
Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch (VHTTDL)) đã cấp giấy chứng nhận quyền tác giả và các quyền liên quan về nhạc võ cho Sở VHTTDL Bình Định. Việc ươm mầm nhạc võ vì thế, cần có nhiều sự đầu tư hơn. Trước đây, vào năm 1984, Đội TTVH Nghĩa Bình đã mời anh Triều Dâng đào tạo cho Mỹ Nữ, để dựng một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc hoành tráng, tham gia các kỳ hội diễn. Sau Mỹ Nữ là Thu Sương- được NSƯT Phan Ngạn đào tạo thành một người chuyên biểu diễn Nhạc võ trong các chương trình VNQC của Đội TTVH Bình Định. Năm 1984, Thu Sương đã được mời đi diễn tại Cu Ba. Hiện tại, ở Bình Định trình diễn nhạc võ chuyên nghiệp hiện có năm người. Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) có hai người là cô Nguyễn Thị Thuận và Hoàng Mai. Ở Quy Nhơn, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có anh Triều Dâng và anh Bá Dũng. Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định có anh Đinh Văn Nhân. Nhạc võ đang được các công ty du lịch ra sức quảng bá và hơn một tháng nay, Bảo tàng Quang Trung đón rất đông khách đến tham quan. Bình quân một ngày có từ 7 đến 9 đoàn khách. Khách đến Bảo tàng, ai cũng muốn xem trình diễn nhạc võ. Anh Nguyễn Xuân Hổ, phụ trách Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Từ nhu cầu thực tế của Bảo tàng, Đội cần thêm 1-2 người biết trình diễn nhạc võ. Theo tôi, tốt nhất là chọn các em học lớp 9 hay lớp 10. Sau 3 năm tập luyện, khi tốt nghiệp PTTH thì tay nghề các em đã cứng cáp. Lúc đó, Bảo tàng có thể tiếp nhận về làm việc. Do chưa có trường lớp dạy bộ môn này, nên cần tiến hành đào tạo tại Bảo tàng. Ngoài việc đánh trống, các em cần biết một vài động tác múa võ minh họa để tăng sự hấp dẫn khi trình diễn”. Có một võ sư tên Hồ Bửu- là học trò của võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và võ sư Hồ Ngạnh (Hồ Nhu). Ông sinh năm 1942 tại Quy Nhơn, lên 5 ông được cha dạy võ để phòng thân. Có một thời gian, ông vào Sài Gòn học Nhu đạo và dạy võ. Năm 1966, ông thường về quê và theo võ sư Hồ Nhu học võ đến tận năm 1974. Ông là Giám đốc Võ đường Tây Sơn - Bình Định tại bang Virginia (Mỹ). Không chỉ dạy võ cổ truyền Bình Định ở Mỹ, ông nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn với võ sinh của mình. Ông tin rằng “hiểu được lịch sử, văn hóa và những nét đẹp đặc trưng của vùng Đất võ thì sẽ dễ cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của võ Bình Định”. |
Nguồn: Ngưởi Tây Sơn 2011
Bình luận: