Võ cổ truyền dân tộc việt nam, quyết không để thất truyền

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Phần lớn các tư liệu, sách sử, hiện vật, hình ảnh về võ học của nước ta không được gìn giữ, bảo quản cẩn trọng, không được truyền nối đầy đủ cho các thế hệ kế tiếp và nhanh chóng hư hỏng, thất lạc, tiêu hủy. Nếu thực trạng này kéo dài, nguy cơ biến mất các "Di sản văn hóa phi vật thể" thiêng liêng của dân tộc sẽ khó tránh khỏi. Đặc san Người Tây Sơn đã trao đổi với ông Phạm Đình Phong, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Unesco Bảo tồn – Phát triển Văn hóa – Thể thao Dân tộc Việt xoay quanh vấn đề này.

Có thể nói Võ cổ truyền dân tộc như là "Quốc bảo" của Việt Nam. Vậy Lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã đưa ra những phương án tích cực nào cho việc bảo tồn "bảo bối" đang dần mai một?
- Với lịch sử vĩ đại, truyền thống thượng võ oai hùng và nền võ học uyên bác, bao gồm cả một hệ thống võ học đồ sộ, liên hoàn, khép kín từ Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Cử, Võ Miếu đến Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc… mà Tổ tiên ta đã kỳ công khai dựng, hun đúc qua hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước, chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm, mà mãi cho đến nay không phải Quốc gia nào cũng có được.

Lẽ ra, sau năm 1975 nước ta đã phải coi trọng vấn đề bảo tồn những giá trị lịch sử ngàn đời của Võ cổ truyền dân tộc rồi, đằng này chúng ta lại để "gia sản" mất gần 40 năm lưu lạc, tiêu hủy rất lớn. Tuy nhiên, theo tôi thà phục dựng muộn còn hơn thả nổi. Vậy nên, hơn một năm trước, tôi đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị Lãnh đạo Liên đoàn VTCT Việt Nam cho phép Ban Nghiên cứu khoa học chúng tôi tổ chức Hội thảo, để báo cáo dự thảo Đề án, nhưng không được chấp thuận. Đó là một sự nuối tiếc, cũng đồng thời là nỗi trăn trở không dứt của tôi suốt thời gian qua. Nhiều anh em khi biết tôi tâm huyết với dự án bảo tồn này đã cho rằng tôi thiếu thực tế và đang hoài công dã tràng, nhưng nếu họ hiểu thấu đáo toàn bộ "sản nghiệp" quý báu ấy hiện thời đang có nguy cơ hòa tan, mất gốc theo một số dòng võ khác cũng đang phát triển như vũ bão và có chiều hướng lấn ép Võ cổ truyền dân tộc Việt Nam, thì có thể lương tri không thể quay lưng như bây giờ.

PCT Liên đoàn VTCTVN Phạm Đình Phong phát biểu tại Hội thảo khoa học về nâng tầm võ Việt

+ Được biết, Lãnh đạo nhà nước đã giao nhiệm vụ cho ông tổ chức thực hiện hai đề án "Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, đúc kết để bảo tồn Võ cổ truyền dân tộc" và "Phát triển - nâng tầm Võ cổ truyền Việt Nam trở thành Võ quốc tế". Đến nay, hai đề án này được triển khai cụ thể ra sao, thưa ông?
- Tôi may mắn là người đã nhiều năm gắn bó tâm huyết với võ cổ truyền dân tộc và đã trực tiếp điền dã tới nhiều địa phương có truyền thống võ học lâu đời trong cả nước để nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tư liệu, hiện vật, sách sử có liên quan; Cũng đồng thời có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, quay phim, chụp ảnh lại các dòng tộc, môn phái, võ sư kỳ cựu nhằm thu thập các nguồn thông tin và các bí quyết về võ công của họ. Qua các đợt đi thực tế như vậy, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự thật đau lòng. Đó là những năm gần đây, phần lớn các lão võ sư, các nhà hoạt động võ tiền bối, từng là niềm tự hào của võ cổ truyền dân tộc, sau khi qua đời do dòng họ không ai thừa tự, các con cháu, học trò vì mưu sinh phải bỏ làng đi làm ăn tứ tản (những người này phần đông không có điều kiện bảo tồn các "bảo bối" và không có thời gian truyền dạy, nên đành bỏ võ), khiến cho nhiều dòng tộc giỏi võ, môn phái võ kỳ cựu tự kết thúc võ nghiệp, dẫn đến một số làng võ nổi danh trước đây, nay không còn người truyền dạy, kế tục.

Hơn nữa, khi các lão võ sư qua đời, theo tập tục, phần lớn những vật dụng riêng của người chết, nhất là sách, tư liệu quá cũ, viết bằng chữ Hán – Nôm, người thân không đọc được đều đem đốt theo người chết, từ đó nguồn "tư liệu sống" lẫn các tư liệu, sách sử, hiện vật cũng mất theo. Mặt khác, do người xưa thường có quan niệm "sống để bụng, chết mang theo" và sợ "phản sư", nên không truyền hết cho đệ tử.

Trước thực trạng này, vừa qua chúng tôi đã viết bức tâm thư gửi lên Lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, trình bày sự việc và đề nghị các Cấp Lãnh đạo quan tâm, sớm cho triển khai thực hiện hai đề án trên để "cứu lấy" nền Võ cổ truyền dân tộc đang dần bị thất truyền. Nhờ có sự "lên tiếng" kịp thời mà ngày 26/10 vừa rồi, Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã triệu tập một cuộc họp khẩn trương để tôi có cơ hội trình bày cụ thể hai đề án này. Tại cuộc họp, Lãnh đạo Tổng cục đã ghi nhận và đánh giá cao hoài bão, tâm huyết của tôi cùng các cộng sự đã âm thầm cống hiến sức lực, kinh phí cá nhân để làm "việc lớn" này và cho biết sắp tới đây sẽ tổ chức Hội thảo khoa học để các Cấp, Ban, Ngành, các Võ sư và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ngồi lại phân tích những ý kiến, những đề xuất, những tư duy mang tầm chiến lược đối với sự tồn vong của Võ học nước nhà trước khi chính thức giao cho các Vụ, Viện chức năng chủ trì triển khai thực hiện.

Ông muốn gửi gắm điều gì qua hai đề án quan trọng này?
- Gắn bó thủy chung hơn 40 năm với Võ cổ truyền dân tộc và phụ trách Nghiên cứu khoa học của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, tôi vui mừng sung sướng đến tột cùng khi lần đầu tiên được Lãnh đạo các Bộ quan tâm, xem xét và tạo mọi điều kiện cần thiết để chúng tôi được trình bày những tham luận của mình tại Hội thảo sắp tới. Theo tôi, đây là một sự thể hiện trách nhiệm rất lớn của các Ban, Ngành sau một thời gian khá dài Võ cổ truyền dân tộc bị lãng quên.

Mục tiêu của Đề án là vừa bảo tồn truyền thống thượng võ, lịch sử oai hùng, tinh hoa võ học, tuyệt kỹ và những bí quyết võ công thượng thặng của dân tộc để từ đó nghiên cứu, đúc kết, nâng tầm VCT dân tộc theo hướng "Dân tộc – Tiên tiến – Khoa học – Đại chúng" vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, nhằm từng bước đưa VCT Việt Nam hội nhập sâu rộng và sớm hiện diện ở các Đại hội Thể thao – Võ thuật quốc tế, như một số nước châu Á đã thực hiện thắng lợi. Qua đó tăng cường giáo dục truyền thống, vinh danh các bậc tiền nhân, bồi đắp nhân cách, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần thượng võ, gìn giữ bền vững bản sắc văn hóa của dân tộc. Tiến tới lập hồ sơ đệ trình lên cấp trên xét công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể" và "Di sản văn hóa vật thể" cấp Quốc gia cho những làng võ, môn phái võ tiêu biểu, di tích lịch sử, hiện vật, hình tượng, sách sử liên quan đến võ học, bia Tiến sĩ võ, các bài Thiệu võ cổ viết bằng chữ Hán – Nôm, các dòng tộc có nhiều thế hệ là anh hùng dân tộc đại võ công, đỗ đạt các học vị, học hàm về võ học, có công lớn với đất nước… Trùng tu lại Tòa Võ Miếu ở Huế, Nghệ An…; Phục dựng lại Tòa Võ Miếu ở khu quần thể kiến trúc cổ của Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) gắn với việc thờ tự để bảo tồn, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về võ học dân tộc, tổ chức một số lễ hội về võ, tạo điều kiện cho người dân trong nước và du khách nước ngoài có nơi tham quan, lễ Tổ, ngưỡng mộ, để xứng đáng với Thủ Đô ngàn năm văn vật, có đầy đủ các công trình Văn Miếu, Võ Miếu oai linh. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để trình lên Chính Phủ và các Bộ, Ngành hữu quan đề nghị tổ chức UNESCO công nhận VCT dân tộc hoặc dòng võ Bình Định – Tây Sơn là "Di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại, như dòng võ Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc và các "Di sản": Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế…

Võ cổ truyền Bình Định - Ảnh Hoàng Tuấn

Ở nước ta, hiện nay có tổng cộng bao nhiêu loại hình võ? bao nhiêu môn phái võ và bao nhiêu người còn hành nghề võ để lưu truyền cho đời sau, thưa ông? 
- Theo dòng lịch sử và duy chí khảo cổ học để lại thì Võ cổ truyền dân tộc ở nước ta đã hình thành từ thời Nhà nước Văn Lang và đã góp phần cùng đất nước đánh tan các đội quân xâm lược hùng mạnh nhất qua các thời đại, lưu truyền cho đến ngày nay. Với bề dày lịch sử và chiến công oai hùng ấy, không chỉ có các cấp Lãnh đạo Bộ quan tâm mà tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo tồn toàn bộ "gia sản" của Tổ tiên mình.

Riêng loại hình võ thuật ở trong nước thì hiện nay chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể, còn môn phái/ võ phái/ võ đường cả nước thì khoảng trên 150 và hơn 1 triệu người tham gia tập luyện các loại hình võ cổ truyền dân tộc. Ở nước ngoài, có trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổ chức và phát triển võ cổ truyền Việt Nam phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Đây cũng là một tín hiệu phấn khởi để ngành Võ có cơ hội "sống lại" thời hoàng kim của mình.


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: